THỦ TỤC HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI DỊCH COVID TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Tôi có tìm hiểu thì được biết Chính phủ đã thông qua gói hỗ trợ cho người lao động. Cho tôi hỏi hiện nay trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã có quy định chính thức về đối tượng, điều kiện và thủ tục hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch chưa?
- Đã ký thông qua Nghị quyết gói hỗ trợ người gặp khó khăn do dịch Covid
- DOANH NGHIỆP SẼ ĐƯỢC NHÀ NƯỚC HỖ TRỢ NHƯ THẾ NÀO TRONG MÙA DỊCH
Luật sư hỗ trợ tư vấn trực tuyến qua tổng đài 1900 6172
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Ngày 21/04/2020 Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Công văn số 1457/UBND-KT về việc triển khai chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid trên địa bàn thành phố, theo đó, nội dung công văn đã hướng dẫn chi tiết đối tượng người lao động được hưởng và trình tự, thủ tục nhận trợ cấp cụ thể như sau:
Đối tượng được hỗ trợ:
Người lao động bị mất việc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định), bao gồm cả giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ làm việc trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi chung là “người lao động”), gồm:
1. Người lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 5, Điều 32 Bộ luật Lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương theo quy định tại Khoản 3, Điều 116 Bộ luật Lao động.
2. Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
Cụ thể:
Chính sách hỗ trợ người lao động làm việc theo hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương:
- Điều kiện hưởng
Người lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 5, Điều 32 Bộ luật Lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương theo quy định tại Khoản 3, Điều 116 Bộ luật Lao động được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:
– Thời gian tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng liên tục trở lên trong giai đoạn từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2020; thời điểm bắt đầu tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 01 tháng 02 năm 2020 trở đi.
– Có văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
– Đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến trước thời điểm tạm hoãn hoặc nghỉ việc không hưởng lương.
Lưu ý:
– Do ảnh hưởng bởi dịch Covid người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động trong một thời hạn nhất định. Việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động phải được lập thành văn bản ghi rõ các nội dung mà các bên thỏa thuận. Trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động các bên không phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Theo đó, nhận sự phụ trách mảng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp thực hiện báo giảm lao động theo thời hạn trong văn bản tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Sau khi hết thời hạn tạm hoãn, doanh nghiệp có trách nhiệm nhận lại người lao động và báo tăng lao động tham gia bảo hiểm xã hội đúng theo quy định của pháp luật.
– Đối với trường hợp nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên, người lao động và người sử dụng lao động phải có văn bản thỏa thuận, theo đó, nhân sự mảng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp phải thực hiện việc báo giảm nghỉ không lương cho những lao động này. Trong thời gian nghỉ không lương các bên không phải đóng bảo hiểm xã hội đồng thời, doanh nghiệp phải báo tăng lao động trở lại sau khi hết thời gian nghỉ không hưởng lương.
Hai đối tượng nêu trên phải đang đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc đến trước thời điểm tạm hoãn hoặc nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên. Việc tãm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương phải được lập thành văn bản theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012.
- Mức hưởng và thời gian hỗ trợ
– Mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng/người/tháng.
– Thời gian hỗ trợ: Chi hàng tháng theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương, tối đa không quá 03 tháng, từ tháng 4 đến hết tháng 6 năm 2020.
-
Trình tự, thủ tục hỗ trợ người lao động
Bước 1: Người lao động có đơn đề nghị được hỗ trợ trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương gửi đến người sử dụng lao động. (Đơn này không có mẫu nên người lao động tự soạn)
Bước 2: Người sử dụng lao động lập bảng tổng hợp danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; công khai bảng tổng hợp danh sách tại doanh nghiệp; đề nghị tổ chức công đoàn cơ sở (nếu có) xác nhận; đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận. (Danh sách này không có mẫu nên doanh nghiệp tự soạn danh sách và lưu ý phần xác nhận của các cơ quan có liên quan ở dưới danh sách)
Tùy theo tình hình diễn biến thực tế của dịch Covid-19 và thời hạn thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương, người sử dụng lao động lập danh sách đề nghị hỗ trợ cho người lao động.
Bước 3: Nơi nộp hồ sơ
Đối với người sử dụng lao động có trụ sở chính trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao: gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố.
Đối với người sử dụng lao động có trụ sở chính ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao: gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Ủy ban nhân dân quận, huyện nơi đặt trụ sở chính.
Bước 4: Thời hạn giải quyết
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện thẩm định, quyết định và chuyển đủ kinh phí hỗ trợ cho người lao động theo đúng danh sách đã được phê duyệt.
Trong trường hợp không hỗ trợ, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Chính sách hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp:
- Điều kiện hưởng:
Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động được hỗ trợ khi đáp ứng đủ 02 điều kiện sau đây:
– Chấm dứt hợp đồng lao động trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 02 năm 2020 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2020, trừ trường hợp: người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật hoặc hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
– Không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
- Mức và thời gian hỗ trợ:
– Mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng/người/tháng.
– Thời gian hỗ trợ: Chi hàng tháng theo thực tế người lao động bị mất việc làm do dịch Covid-19, tối đa không quá 03 tháng, từ tháng 4 đến hết tháng 6 năm 2020.
- Trình tự, thủ tục hưởng trợ cấp:
Bước 01: Nơi nộp hồ sơ
Người lao động có nhu cầu hỗ trợ nộp hồ sơ đề nghị trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố hoặc Ủy ban nhân dân quận, huyện (nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp mà người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động).
Lưu ý: Người lao động tự soạn mẫu đơn, hoặc đến các cơ quan nêu trên để xin mẫu đơn.
Bước 2: Thời hạn giải quyết
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ đề nghị, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố hoặc Ủy ban nhân dân quận, huyện thẩm định hồ sơ, quyết định và chuyển đủ kinh phí hỗ trợ cho người lao động.
Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 1900 6172 để được trực tiếp tư vấn, giải đáp.
->NLĐ bị tạm hoãn hợp đồng do ảnh hưởng Covid-19 được hỗ trợ bao nhiêu?