Nghĩa vụ tài chính khi diện tích đất bị tăng so với sổ đỏ đã cấp
Nghĩa vụ tài chính khi diện tích đất bị tăng so với sổ đỏ đã cấp? Tôi có mảnh đất ở 260 m2 tại Nghệ An đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện nay gia đình tôi đang muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì đo đạc lại thấy diện tích là 300 m2 nhưng ranh giới thửa đất không thay đổi. Vậy cho tôi hỏi gia đình tôi có phải nộp tiền sử dụng đất đối với diện tích tăng thêm. Và hồ sơ đăng ký biến động đất đai gồm những gì?
- Chuyển nhượng đất lớn hơn diện tích có trong sổ đỏ
- Hồ sơ đăng ký biến động đất đai do thay đổi diện tích đất
Luật sư tư vấn pháp luật đất đai trực tuyến 24/7: 19006172
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn.. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Thứ nhất, quy định về nghĩa vụ tài chính khi diện tích đất bị tăng so với sổ đỏ đã cấp
Căn cứ Khoản 5 Điều 98 Luật đất đai năm 2013 quy định:
“5. Trường hợp có sự chênh lệch diện tích giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này hoặc Giấy chứng nhận đã cấp mà ranh giới thửa đất đang sử dụng không thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề thì khi cấp hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất diện tích đất được xác định theo số liệu đo đạc thực tế. Người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích chênh lệch nhiều hơn nếu có.
Trường hợp đo đạc lại mà ranh giới thửa đất có thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất và diện tích đất đo đạc thực tế nhiều hơn diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất thì phần diện tích chênh lệch nhiều hơn (nếu có) được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Điều 99 của Luật này.”
Theo quy định trên, nếu có sự chênh lệch diện tích đất giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp mà ranh giới thửa đất đang sử dụng không thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề thì khi cấp hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận thì sẽ được xác định theo số liệu đo đạc thực tế. Theo đó, người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích chênh lệch lớn hơn.
Do đó, diện tích đất của gia đình bạn lớn hơn diện tích ghi trong sổ nhưng ranh giới không thay đổi và không có tranh chấp thì gia đình bạn không phải nộp tiền sử dụng đất do diện tích tăng thêm 40 m2 này.
Thứ hai, về thủ tục đăng ký biến động đất đai khi diện tích tăng thêm so với sổ đã cấp
Căn cứ Khoản 4, Khoản 5 Điều 95 Luật đất đai 2013 quy định về các trường hợp phải đăng kí đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất:
“4. Đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có thay đổi sau đây:
c) Có thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất;
5. Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đã kê khai đăng ký được ghi vào Sổ địa chính, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nếu có nhu cầu và có đủ điều kiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp đăng ký biến động đất đai thì người sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc chứng nhận biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp….”
Theo đó, khi thay đổi diện tích đất sử dụng thì phải đăng kí biến động và người sử dụng đất sẽ được cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc chứng nhận biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp trước đó.
1. Hồ sơ đăng ký biến động
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 11 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT, hồ sơ gồm các giấy tờ sau:
+ Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK ban hành kèm Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT;
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận).
2. Nơi nộp hồ sơ
Theo khoản 2 Điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì nơi tiếp nhận và giải quyết hồ sơ là Văn phòng đăng ký đất đai. Nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện tiếp nhận hồ sơ đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có nhu cầu nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả.
3. Thời hạn giải quyết hồ sơ
Căn cứ Khoản 1 Điều 61 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP thì thời gian thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất là không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn thì thời gian thực hiện được tăng thêm 15 ngày. Thời gian này không bao gồm thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất, thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.
Mọi thắc mắc liên quan xin vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn đất đai 1900 6172 để được trực tiếp tư vấn, giải đáp.
–>Thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính
- Quy định pháp luật hiện hành về xoá thế chấp quyền sử dụng đất
- Quy định chi tiết về việc xây dựng ban công ở các tầng
- Hướng dẫn cách điền mẫu đơn 08a/ĐK của tổ chức, cơ sở tôn giáo
- Thời gian xin cấp đồng thời giấy chứng nhận và chuyển mục đích sử dụng đất
- Phải làm gì khi bị xâm phạm khoảng không trên bất động sản liền kề?