19006172

Chủ Nhật, ngày 29 tháng 12 năm 2024. Chào buổi sáng và chúc bạn một ngày tốt lành!

TÀI SẢN CHUNG CỦA VỢ CHỒNG TRONG THỜI KỲ HÔN NHÂN

TÀI SẢN CHUNG CỦA VỢ CHỒNG TRONG THỜI KỲ HÔN NHÂN

TÀI SẢN CHUNG CỦA VỢ CHỒNG TRONG

Nguyên tắc áp dụng Pháp luật: Nguyên tắc Luật áp dụng là luật có hiệu lực ở thời điểm thực hiện hành vi, trừ trường hợp văn bản pháp quy cụ thể có quy định khác. Thông thường là giao dịch ở thời điểm nào thì áp dụng pháp luật ở thời điểm đó. Thời kỳ hôn nhân kéo dài nên nhiều TS được hình hình vào nhiều thời điểm khác nhau. Do đó, trong vụ án chia TS của vợ chồng có thể phái áp dụng nhiều văn bản pháp luật cũ để xác định tính chất của TS cũng như các yếu tố liên quan khác.

Ví dụ 1: Anh H và chị B kết hôn năm 1985, có một con chung. Năm 1989, anh H chết. Năm 1995, chị B kết hôn với anh T. Năm 2009, chị B và anh T ly thân. Năm 2016, chị B xin ly hôn và yêu cầu chia tài sản chung. Tài sản tranh chấp có 3 ngôi nhà:

– Nhà số 1 do anh H được cha mẹ anh H cho anh H từ năm 1981 và anh H, chị B quản lý sử dụng từ năm 1985.

– Nhà số 2 là nhà chị B được hưởng thừa kế của cha mẹ chị B năm 1990.

– Nhà số 3 do anh T đứng tên mua và sử dụng riêng từ năm 2012.

Vậy chị B và anh T, mỗi người có quyền dân sự thế nào đối với mỗi ngôi nhà trên?

Nhà số 1 thuộc sở hữu của anh H từ trước khi kết hôn với chị B. Thời điểm kết hôn (năm 1985) thuộc thời kỳ thi hành Luật HN-GĐ năm 1959. Theo quy định tại Điều 15 Luật HN-GĐ năm 1959 thì “Vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới”. Do vậy, từ thời điểm kết hôn, Nhà số 1 đã trở thành tài sản chung của vợ chồng anh H chị B. Dù sau này, Luật HN-GĐ năm 1986 (có hiệu lực từ 03/01/1987) có quy định tài sản có trước khi cưới là tài sản riêng thì Nhà số 1 vẫn tiếp tục là tài sản chung nếu không có sự kiện phân chia gì khác.

Nhà số 2 là nhà chị B được thừa kế năm 1990. Năm 1990 là thời kỳ thi hành Luật HN-GĐ năm 1986. Theo quy định tại Điều 16 Luật HN-GĐ năm 1986 thì tài sản được thừa kế riêng là tài sản riêng. Do vậy, Nhà số 2 là tài sản riêng của chị B.

Nhà số 3 là nhà anh T mua năm 2012. Năm 2012 là thời kỳ thi hành Luật HN-GĐ năm 2000. Theo quy định của Điều 27 Luật HN-GĐ năm 2000 thì “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra…trong thời kỳ hôn nhân”. Anh T và chị B kết hôn năm 1995, dù ly thân từ năm 2009 thì năm 2012 vẫn là trong thời kỳ hôn nhân. Do vậy, Nhà số 3 chỉ do anh T mua thì vẫn là tài sản chung của vợ chồng anh T và chị B.

1. Tài sản chung (2014)

Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân,trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 40 của luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung

Cần chú ý:

– Trong thực tế thường có cách hiểu sai là tài sản phải do cả hai vợ chồng cùng tạo ra mới là tài sản chung. Pháp luật quy định tài sản chung là tài sản “do vợ, chồng tạo ra” trong thời kỳ hôn nhân. Do vậy, tài sản chỉ do một bên vợ hoặc chồng tạo ra nhưng trong thời kỳ hôn nhân (kể cả đã ly thân cũng vẫn là trong thời kỳ hôn nhân) là tài sản chung của vợ chồng.

– Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng nhưng phát sinh trong thời kỳ hôn nhân thì hoa lợi, lợi tức ấy vẫn là tài sản chung, trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng do được chia theo quy định về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.

– “Tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung”. Thỏa thuận này không đòi hỏi phải là thỏa thuận sau khi có tài sản. Sau khi có tài sản mới thỏa thuận chính là trường hợp nhập tài sản riêng vào tài sản chung. Do đó, vợ chồng có thể thỏa thuận về những tài sản nào đó sẽ có trong tương lai là tài sản chung của vợ chồng.

– Khoản 3 Điều 33 quy định: “Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung”. Cần lưu ý rằng đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đứng tên một bên vợ hoặc chồng không đủ là chứng cứ chứng minh đó là tài sản riêng (Khoản 2 Điều 34).

Tài sản chung của vợ chồng theo Luật HN-GĐ năm 2000:

Luật HN-GĐ năm 2000 không có quy định về hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng. Theo quy định tại Mục 3 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật HN-GĐ năm 2000 (Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP) thì tài sản có được từ nguồn tài sản riêng cũng là tài sản riêng. Do đó, hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng trong thời kỳ thi hành Luật HN-GĐ năm 2000 không là tài sản chung.

Tài sản chung của vợ chồng theo Luật HN-GĐ năm 1986:

Luật HN-GĐ năm 1986 bắt đầu quy định về tài sản riêng của vợ, chồng nên quy định về tài sản chung cũng khá rõ ràng để phân biệt với tài sản riêng. Điều 14 quy định “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ hoặc chồng tạo ra…trong thời kỳ hôn nhân”. Quy định “vợ hoặc chồng” ít tạo ra sự hiểu sai như quy định “vợ, chồng”.
Hướng dẫn thi hành Điều 14, Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 20/01/1988 đã quy định tại Điểm a, Mục 3 cụ thể về tài sản chung của vợ chồng. Về cơ bản, quy định của Luật HN-GĐ năm 1986 và Luật HN-GĐ năm 2000 về tài sản chung của vợ chồng là giống nhau và đều không có quy định về hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng.

Tài sản chung của vợ chồng theo Luật HN-GĐ năm 1959:

Quy định về chế độ tài sản của vợ chồng của Luật HN-GĐ năm 1959 có khác biệt cơ bản so với các luật HN-GĐ sau này là Luật HN-GĐ năm 1959 không quy định vợ, chồng có tài sản riêng. Do đó, Điều 15 quy định: “Vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới”.
Tài sản chung của vợ chồng ở giai đoạn trước Luật HN-GĐ năm 1959:

Giai đoạn trước Luật HN-GĐ năm 1959 là trước 13/01/1960 đối với miền Bắc, trước 25/3/1977 đối với miền Nam. Về nguyên tắc, Luật HN-GĐ năm 1959 không thể áp dụng đối với những quan hệ hôn nhân và gia đình xác lập trước khi luật có hiệu lực. Do đó, ở thời kỳ này vợ chồng vẫn có cả tài sản chung và tài sản riêng. Có những quy định của chế độ cũ vẫn cần được tham khảo để xác định tài sản chung, tài sản riêng (Bộ luật Dân sự Bắc kỳ cũng quy định về tài sản do vợ hoặc chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung).

Lưu ý: nếu hôn nhân đã chấm dứt trước thời điểm Luật HN-GĐ năm 1959 có hiệu lực thì tình trạng pháp lý của tài sản mới không thay đổi; còn trường hợp hôn nhân tiếp tục tồn tại thì tình trạng pháp lý của tài sản sẽ thay đổi theo tác động của Luật HN-GĐ năm 1959.

Ví dụ : Ông A kết hôn với bà B tại Sài Gòn năm 1973. Ông A có ngôi nhà X là tài sản riêng của ông. Ông A chết năm 1975. Năm 2000, các thừa kế của ông A mới khởi kiện chia thừa kế. Do thời điểm mở thừa kế là năm 1973 nên ngôi nhà X là tài sản riêng của ông A đã chuyển thành di sản của ông A từ năm 1973. Di sản này không thể chuyển thành tài sản chung của ông A và bà B.Tuy nhiên, nếu ông A chết vào năm 1978 thì ngôi nhà X đã chuyển từ tài sản riêng thành tài sản chung của ông A và bà B từ thời điểm Luật HN-GĐ có hiệu lực ở miền Nam (25/3/1977); và ở thời điểm mở thừa kế 1978, chỉ một nửa ngôi nhà này là di sản của ông A.

3.Tài sản riêng của vợ, chồng

Theo quy định của Điều 43 Luật HN-GĐ thì tài sản riêng của vợ, chồng bao gồm:

– Tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn.

– Tài sản được thừa kế riêng trong thời kỳ hôn nhân.

– Tài sản được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân.

– Tài sản được chia riêng trong thời kỳ hôn nhân từ tài sản chung vợ chồng.

– Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng.

– Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng.

– Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản được chia riêng trong thời kỳ hôn nhân.

– Tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

Trong các trường hợp nêu trên cần lưu ý một số trường hợp sau:

Cần phân biệt “tài sản được hình thành từ tài sản riêng” với “hoa lợi, lợi tức”. Theo quy định của Điều 109 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) thì hoa lợi là “sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại”; lợi tức là “khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản”. Do vậy, giá trị tăng thêm tự nhiên theo thời giá của tài sản hình thành từ tài sản riêng không phải là hoa lợi, lợi tức. Ví dụ: Tài sản là ngôi nhà có giá trị 1 tỷ đồng vào năm 2010, cho thuê mỗi năm được 60 triệu đồng. Đến năm 2017, ngôi nhà có giá 1,7 tỷ đồng thì tiền thuê nhà thu được trong 6 năm có tổng số 300 triệu đồng là lợi tức chứ không phải 700 triệu đồng giá trị tăng lên của ngôi nhà là lợi tức.
Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng nhưng phát sinh trong thời kỳ hôn nhân thì vẫn là tài sản chung của vợ chồng (Khoản 1 Điều 33). Tuy nhiên, nếu phát sinh từ tài sản được chia riêng trong thời kỳ hôn nhân thì lại là tài sản riêng của người đã được chia riêng tài sản (Khoản 1 Điều 40).

Tài sản riêng của vợ, chồng theo Luật HN-GĐ năm 2000:

Luật HN-GĐ năm 2000 không có quy định về tài sản được hình thành từ tài sản riêng. Tuy nhiên, tại Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP đã có hướng dẫn tài sản riêng của vợ, chồng bao gồm cả tài sản có được từ nguồn tài sản riêng (Điểm b Mục 3).

Luật HN-GĐ năm 2000 không quy định về hoa lợi, lợi tức. Các văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành Luật HN-GĐ năm 2000 cũng không quy định nên phải áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) tương ứng. BLDS năm 1995 và BLDS năm 2005 đều quy định, hoa lợi, lợi tức thuộc chủ sở hữu.

Tài sản riêng của vợ, chồng theo Luật HN-GĐ năm 1986:

Quy định về tài sản riêng trong Luật HN-GĐ năm 1986 tương tự như Luật HN-GĐ năm 2000. Tuy nhiên, là luật đầu tiên quy định về tài sản riêng, trước đó là một thời kỳ dài thi hành Luật HN-GĐ năm 1959 không có quy định tài sản riêng của vợ chồng nên cần lưu ý một số vấn đề sau:

– Về tài sản có được từ nguồn tài sản riêng và về hoa lợi, lợi tức áp dụng như giai đoạn thi hành Luật HN-GĐ năm 2000.

– Áp dụng quy định “tài sản mà vợ hoặc chồng có trước khi kết hôn” phải là với những hôn nhân kết hôn trong thời kỳ thi hành Luật HN-GĐ năm 1986 (từ 03/01/1987 đến 31/12/2000) vì không có quy định hồi tố.

Ví dụ 3: Cha mẹ cho 2 con trai mỗi người một ngôi nhà vào năm 1985. Người anh kết hôn vào năm 1986, ngôi nhà được cho mặc dù là có trước khi kết hôn nhưng trở thành tài sản chung của người anh và vợ từ thời điểm kết hôn theo Luật HN-GĐ năm 1959. Người em kết hôn vào năm 1988, ngôi nhà mà người em được cho vẫn tiếp tục là tài sản riêng của người em theo quy định của Luật HN-GĐ năm 1986.

– Áp dụng quy định “được thừa kế riêng hoặc được cho riêng” phải là giao dịch trong thời kỳ thi hành Luật HN-GĐ năm 1986 chứ không được áp dụng hồi tố cho những giao dịch của thời kỳ thi hành Luật HN-GĐ năm 1959.

Ví dụ 4: Anh A và chị B kết hôn năm 1985. Năm 1986, anh A được chia thừa kế của cha anh A ngôi nhà X. Năm 1988, chị B được chia thừa kế của mẹ chị B ngôi nhà Y. Ngôi nhà X là tài sản chung của vợ chồng vì thời điểm có được tài sản năm 1986 là thời điểm thi hành Luật HN-GĐ năm 1959. Ngôi nhà Y là tài sản riêng của chị B vì thời điểm có được tài sản năm 1988 là thời điểm thi hành Luật HN-GĐ năm 1986.

4.Các quy định có ảnh hưởng đến việc xác định tài sản chung của vợ chồng

4.1.Chế độ tài sản theo thỏa thuận

Chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận là một chế định pháp luật mới, lần đầu được quy định trong Luật HN-GĐ. Khi có thỏa thuận hợp pháp thì thỏa thuận này được ưu tiên áp dụng. Chỉ khi thỏa thuận không quy định hoặc không rõ ràng thì mới áp dụng các quy định tương ứng của pháp luật.

Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng gồm tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng, các giao dịch có liên quan nên bản thỏa thuận có ý nghĩa quan trọng để xác định tài sản chung của vợ chồng, những giao dịch hợp pháp hay vô hiệu để xác định nghĩa vụ của vợ, chồng.

Thỏa thuận hợp pháp là thỏa thuận không phạm vào những trường hợp bị quy định là vô hiệu (quy định tại Điều 50), trong đó cần lưu ý là:

– Phải tuân thủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật Dân sự và các luật có liên quan.

Trong các điều kiện này có điều kiện về hình thức. Luật quy định thỏa thuận phải được lập trước khi kết hôn và phải được công chứng hoặc chứng thực (Điều 47).

– Không được vi phạm một trong các Điều 29,30,31,32 Luật HN-GĐ là các điều quy định về nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng, nghĩa vụ đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình, giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng, giao dịch liên quan đến tài khoản và động sản không phải đăng ký.

– Không có vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền thừa kế, lợi ích hợp pháp khác của các thành viên của gia đình.

Pháp luật cũng quy định về việc sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng, trong đó hình thức đòi hỏi như thỏa thuận ban đầu.

4.2.Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung

Trong thời kỳ hôn nhân, tài sản riêng hay tài sản chung thường vẫn được sử dụng chung nên việc đã nhập tài sản riêng vào tài sản chung hay chưa là vấn đề thường xảy ra tranh chấp khi ly hôn.

Điều 46 quy định “Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận”. Về hình thức của giao dịch thì phải tuân theo hình thức của giao dịch mà pháp luật quy định với tài sản đó (Khoản 2 Điều 46). Như vậy, việc nhập nhà ở là tài sản riêng vào tài sản chung ở thời điểm năm 2015 phải tuân theo hình thức quy định về giao dịch nhà ở quy định tại Luật Nhà ở năm 2014 là “công chứng, chứng thực hợp đồng” (Điều 122); việc nhập quyền sử dụng đất là tài sản riêng vào tài sản chung cũng phải được công chứng và có hiệu lực từ thời điểm đăng ký (theo quy định tại Điểm h Khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai năm 2013, Điều 503 BLDS).

Việc nhập tài sản riêng vào tài sản chung cũng phải tuân theo nguyên tắc chung của giao dịch là không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba hay với nhà nước và phải đúng quy định thì mới có hiệu lực. Trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản riêng nhưng sử dụng đất làm nhà ở chung cũng chưa thể coi là đã đưa quyền sử dụng đất vào tài sản chung. Thực tiễn xét xử vẫn xác định quyền sử dụng đất là tài sản riêng, còn nhà ở trên đất mới là tài sản chung; hai tài sản này phải được định giá riêng.

Nhập tài sản riêng vào tài sản chung theo Luật HN-GĐ năm 2000:

Luật HN-GĐ năm 2000 chỉ quy định tại Khoản 2 Điều 32 là “Vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung” nhưng văn bản hướng dẫn Luật thì quy định khá cụ thể.
Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật HN-GĐ quy định: “Việc nhập tài sản là nhà ở, quyền sử dụng đất và các tài sản khác có giá trị lớn thuộc sở hữu riêng của một bên vợ hoặc chồng vào tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Khoản 2 Điều 32 Luật HN-GĐ phải được lập thành văn bản, có chữ ký của cả vợ và chồng. Văn bản đó có thể được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật”. Như vậy, “lập thành văn bản” là bắt buộc, còn “công chứng hoặc chứng thực” thì không bắt buộc.

Nhập tài sản riêng vào tài sản chung theo Luật HN-GĐ năm 1986:

Điều 16 Luật HN-GĐ năm 1986 chỉ quy định người có tài sản riêng “có quyền nhập hoặc không nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng”. Các văn bản hướng dẫn thi hành luật cũng không quy định cụ thể.

Tại Điểm b Mục 3 Nghị quyết 01/NQ-HĐTP ngày 20/01/1998 có quy định: “Tài sản riêng của ai thì người đó được lấy về, nhưng người có tài sản riêng phải chứng minh. Việc chứng minh có thể thực hiện bằng sự công nhận của bên kia, bằng các giấy tờ (văn tự, di chúc…) và bằng các chứng cứ khác”. Như vậy, ở thời kỳ thi hành Luật HN-GĐ năm 1986, việc nhập tài sản riêng vào tài sản chung không đòi hỏi có công chứng, chứng thực như thời kỳ thi hành Luật HN-GĐ năm 2014, không đòi hỏi phải bằng văn bản như thời kỳ thi hành Luật HN-GĐ năm 2000, chỉ cần có “chứng cứ” chứng minh có thỏa thuận là có cơ sở xác định tài sản riêng đã gia nhập tài sản chung.

4.3. Định đoạt tài sản chung vợ chồng

Tài sản chung của vợ chồng cũng là một trường hợp sở hữu chung. Trong trường hợp pháp luật HN-GĐ không có quy định khác thì phải áp dụng quy định của BLDS tương ứng về tài sản chung. Những định đoạt về tài sản chung vợ chồng hợp pháp thì tài sản đó coi như không còn. Những định đoạt không hợp pháp là giao dịch vô hiệu, tài sản tham gia giao dịch vô hiệu phải được thu hồi về hiện vật hoặc về giá trị để đưa vào khối tài sản chung của vợ chồng khi phân chia.

Những tài sản chung sau đây là tài sản mà pháp luật quy định việc định đoạt phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng (Khoản 2 Điều 35 Luật HN-GĐ):

– Bất động sản;

– Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;

– Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình

Đối với tài sản chung đã được đưa vào kinh doanh chung: Đối với tài sản chung đã được vợ chồng đưa vào kinh doanh chung thì trong quá trình kinh doanh, việc định đoạt tài sản này không buộc phải có sự tham gia của cả vợ và chồng nữa vì người trực tiếp kinh doanh là người đại diện (Khoản 1 Điều 25). Tuy nhiên, cần phân biệt với trường hợp không phải là kinh doanh chung nhưng có thỏa thuận bằng văn bản cho một người được phép giao dịch thì giao dịch đó vẫn hợp pháp (Điều 36).

Đối với tài sản chung là tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì người đứng tên tài khoản được coi là người có quyền giao dịch (Khoản 1 Điều 32); hoặc người đang chiếm hữu động sản được coi là người có quyền giao dịch (Khoản 2 Điều 32).

Đối với việc định đoạt tài sản chung để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì dù giao dịch do một bên thực hiện cũng là hợp pháp (Khoản 1 Điều 33).

Định đoạt tài sản chung vợ chồng theo Luật HN-GĐ năm 2000:

Luật HN-GĐ năm 2000 không quy định cụ thể như Luật HN-GĐ năm 2014 mà chỉ quy định: Việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn hoặc là nguồn sống duy nhất của gia đình, việc dùng tài sản chung để đầu tư kinh doanh phải được vợ chồng bàn bạc, thoả thuận, trừ tài sản chung đã được chia trong thời kỳ hôn nhân để đầu tư kinh doanh riêng.

Tài sản chung có giá trị lớn của vợ chồng được xác định căn cứ vào phần giá trị của tài sản đó trong khối tài sản chung của vợ chồng (Khoản 3 Điều 4 Nghị định 70/2001/NĐ-CP ngày 03-10-2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật HN-GĐ)

Luật HN-GĐ năm 2000 không có quy định về việc định đoạt tài sản chung phải có thỏa thuận bằng văn bản và cũng không có quy định về những loại tài sản đặc biệt là tiền gửi tài khoản Ngân hàng, tài khoản chứng khoán hoặc động sản mà pháp luật không buộc phải đăng ký.

Định đoạt tài sản chung vợ chồng theo Luật HN-GĐ năm 1986:

Quy định về định đoạt tài sản chung vợ chồng của Luật HN-GĐ năm 1986 cũng tương tự như quy định của Luật HN-GĐ năm 2000 nhưng phạm vi đòi hỏi phải có sự thỏa thuận có phần hẹp hơn. Điều 15 chỉ quy định: “Việc mua, bán, đổi, cho vay, mượn, và những giao dịch khác có quan hệ đến tài sản mà có giá trị lớn thì phải được sự thỏa thuận của vợ, chồng”. Như vậy là thỏa thuận chỉ là bắt buộc với tài sản có giá trị lớn.

Định đoạt tài sản chung vợ chồng theo Luật HN-GĐ năm 1959:

Luật HN-GĐ năm 1959 chỉ có một điều luật duy nhất quy định về quyền định đoạt đối với tài sản chung, đó là Điều 15, quy định: “Vợ, chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới”. Điều này đồng nghĩa theo Luật Luật HN-GĐ năm 1959 thì mọi giao dịch liên quan đến mọi tài sản chung vợ chồng đều phải có sự đồng ý, thỏa thuận thống nhất của cả vợ và chồng.

4.4. Nghĩa vụ chung và nghĩa vụ riêng

Khi xác định tài sản chung, Tòa án không trừ đi giá trị nghĩa vụ chung hay nghĩa vụ riêng nhưng cùng với việc chia tài sản chung thì Tòa án cũng phải phán quyết về các nghĩa vụ khi có yêu cầu. Mặt khác, nếu sử dụng tài sản chung cho nghĩa vụ chung thì cũng là trường hợp định đoạt tài sản chung hợp pháp. Do vậy, quy định về nghĩa vụ chung, nghĩa vụ riêng cũng là những quy định ảnh hưởng đến xác định tài sản chung.

Luật HN-GĐ 2014 bổ sung hai điều luật mới (Điều 37, Điều 45) quy định cụ thể về nghĩa vụ chung và nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng.

Theo quy định tại Điều 37 Luật HN-GĐ thì vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

– Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

– Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

– Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

– Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

– Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

– Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.

Theo quy định tại Điều 45 Luật HN-GĐ thì vợ, chồng có các nghĩa vụ riêng về tài sản sau đây:

– Nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn;

– Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng theo quy định tại khoản 4 Điều 44 hoặc quy định tại khoản 4 Điều 37 của Luật này;

– Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình;

– Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng.

Nghĩa vụ chung, nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ chồng theo pháp Luật HN-GĐ trước Luật HN-GĐ năm 2014:
Luật HN- GĐ năm 2000 chỉ đề cập đến việc “đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình”. Đối với giao dịch dân sự chỉ do một bên thực hiện nhưng để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ chồng phải có trách nhiệm liên đới.

Luật HN-GĐ năm 1986 và Luật HN-GĐ năm 1959 không có điều luật quy định về nghĩa vụ chung và nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng. Trong trường hợp này Tòa án áp dụng các quy định tương ứng của pháp luật dân sự.
Trong thực tiễn xét xử có việc nhầm lẫn giao dịch riêng về tài sản chung với nghĩa vụ riêng. Giao dịch riêng về tài sản chung thì giá trị tài sản càng lớn càng đòi hỏi phải có ý chí chung, càng thể hiện là giao dịch đó không hợp pháp. Còn nghĩa vụ riêng thì giá trị tài sản càng lớn càng thể hiện là nghĩa vụ riêng của một người. Đã có trường hợp cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm vì cho rằng số tiền người chồng đứng tên vay của Ngân hàng là rất lớn nên phải đưa cả người vợ vào tham gia tố tụng để xem xét trách nhiệm chung.

4.5 Hạn chế quyền đối với tài sản riêng

Nguyên tắc chung thì vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình (Khoản 1 Điều 44). Khi ly hôn thì về nguyên tắc, tài sản riêng của ai giao cho người ấy. Tuy nhiên, quan hệ từ hôn nhân là quan hệ đặc biệt, kể cả sau khi đã ly hôn. Do đó, trong một số trường hợp, pháp luật có quy định hạn chế quyền đối với tài sản riêng, cụ thể:

– Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sốngduy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ (Khoản4 Điều 44)

– Trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên. (Khoản 2 Điều 30)

– Đối với nhà ở là tài sản riêng của vợ hoặc chồng nhưng đó là nơi ở duy nhất của vợ chồng thì người vợ (hoặc chồng) là chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng (Điều 31).

Hạn chế quyền đối với tài sản riêng theo quy định của pháp Luật HN-GĐ trước Luật HN-GĐ năm 2014

Luật HN-GĐ năm 2000 có sự khác biệt so với quy định của Luật HN-GĐ như sau:

– Luật HN-GĐ năm 2000 chỉ quy định hạn chế quyền định đoạt đối với tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản đó là nguồn sống duy nhất của gia đình khi tài sản riêng đó đã được đưa vào sử dụng chung (Khoản 5 Điều 33)

– Về phạm vi hạn chế quyền đối với tài sản riêng của vợ, chồng để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình, Luật HN-GĐ năm 2000 không quy định dựa trên khả năng kinh tế của mỗi bên như Luật HN-GĐ năm 2014 mà quy định: “Tài sản riêng của vợ, chồng cũng được sử dụng vào các nhu cầu thiết yếu của gia đình trong trường hợp tài sản chung không đủ để đáp ứng” (Khoản 4 Điều 33).

Luật HN-GĐ năm 1986 là luật đầu tiên quy định về tài sản riêng. Tuy nhiên, Luật HN-GĐ năm 1986 không có quy định về hạn chế quyền đối với tài sản riêng.

4.6. Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

Chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là việc vợ chồng thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết việc chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung khi hôn nhân vẫn còn tồn tại nhằm phân chia tài sản chung của vợ chồng thành từng phần thuộc sở hữu riêng của vợ và chồng.

Khối tài sản chung của vợ chồng sẽ thay đổi khi có việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Việc chia tài sản chung được thực hiện bằng hai cách:

– Một là, theo thỏa thuận của vợ chồng. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 38 thì “Thỏa thuận về việc chia tài sản chung”phải được lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.

– Hai là, bằng việc yêu cầu Tòa án giải quyết. Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân và việc chia này cũng theo quy định của Điều 59 (quy định về chia tài sản khi ly hôn).

Về thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân:

– Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng là thời điểm do vợ chồng thỏa thuận và được ghi trong văn bản; nếu trong văn bản không xác định thời điểm có hiệu lực thì thời điểm có hiệu lực được tính từ ngày lập văn bản (Khoản 1 Điều 39).

– Trong trường hợp tài sản được chia mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm việc thỏa thuận tuân thủ hình thức mà pháp luật quy định (Khoản 2 Điều 39). Ví dụ: Hợp đồng về nhà ở được quy định có hiệu lực ở thời điểm công chứng thì văn bản chia nhà ở trong thời kỳ hôn nhân cũng có hiệu lực ở thời điểm công chứng.

– Trong trường hợp Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng thì việc chia tài sản chung có hiệu lực kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Việc chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân:

– Sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung. Thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung phải được lập thành văn bản. Thỏa thuận này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.

– Kể từ ngày thỏa thuận của vợ chồng về việc chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung có hiệu lực thì việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng được thực hiện theo quy định tại Điều 33 và Điều 43 của Luật HN-GĐ.

– Quyền, nghĩa vụ về tài sản phát sinh trước thời điểm chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

– Trong trường hợp việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thì thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung phải được Tòa án công nhận.

Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu:

Việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1- Ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

2- Nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

a) Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng;

b) Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại;

c) Nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản;

d) Nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức;

đ) Nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước;

e) Nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của Luật HN-GĐ, Bộ luật dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân theo quy định của pháp Luật HN-GĐ trước Luật HN-GĐ năm 2014:

Thời kỳ thi hành Luật HN-GĐ năm 2000:

Luật HN-GĐ năm 2000 chỉ cho phép vợ chồng được thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân khi vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do khác nhưng phải là lý do chính đáng (Khoản 1 Điều 29 Luật HN-GĐ năm 2000).

Luật HN-GĐ năm 2000 không có điều luật quy định về thời điểm có hiệu lực và việc chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung; không có điều luật quy định về các trường hợp chia tài sản chung bị vô hiệu, nhưng Nghị định 70/2001/NĐ-CP ngày 03-10-2001 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành Luật HN-GĐ năm 2000 lại có quy định hướng dẫn về các nội dung này tại: Điều 6 (Chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân), Điều 7 (Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung), Điều 8 (Hậu quả chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân), Điều 9 (Khôi phục chế độ tài sản chung vợ chồng), Điều 10 (Thời điểm có hiệu lực của việc khôi phục chế độ tài sản chung), Điều 11 (Việc chia tài sản chung bị vô hiệu).

Về cơ bản, các quy định hướng dẫn tại Nghị định 70/2001/NĐ-CP ngày 03-10-2001 của Chính Phủ có nội dung tương tự như các quy định về chia tài sản chung tại Luật HN-GĐ. Hay nói cách khác, nội dung quy định Luật HN-GĐvề chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân đã pháp điển hóa, nâng lên thành Luật các quy định hướng dẫn tại Nghị định 70/2001/NĐ-CP. Tuy nhiên, có một số nội dung mà Luật HN-GĐ có quy định nhưng Nghị định 70/2001/NĐ-CP chưa có quy định hướng dẫn, cụ thể là:

– Đối với quy định về hậu quả của việc chia tài sản chung: Nghị định 70/2001/NĐ-CP không quy định hướng dẫn về trường hợp tài sản có được từ việc khai thác tài sản riêng của vợ, chồng mà không xác định được đó là thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh của vợ, chồng hay là hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng đó thì thuộc sở hữu của chung hay của riêng;

– Đối với quy định về các trường hợp chia tài sản chung bị coi là vô hiệu: Nghị định 70/2001/NĐ-CP không ghi nhận trường hợp chia tài sản chung mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, là trường hợp vô hiệu.

Thời kỳ thi hành Luật HN-GĐ năm 1986:

Luật HN-GĐ năm 1986 là Luật HN-GĐ đầu tiên quy định về chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân nên quy định chia còn rất hạn chế. Luật HN-GĐ năm 1986 quy định: “Khi hôn nhân tồn tại, nếu một bên yêu cầu và có lý do chính đáng, thì có thể chia tài sản chung của vợ chồng…” (Điều 18). Việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân theo Luật HN-GĐ năm 1986 có điểm khác biệt với các luật sau này là dù vợ chồng có thỏa thuận được về việc chia tài sản thì thỏa thuận đó cũng phải do Tòa án công nhận (Điều 18 và Điều 42).

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết sau:

Trong quá trình giải quyết nếu có vấn đề gì vướng mắc bạn vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900 6172 để được tổng đài tư vấn.

luatannam