19006172

Quy định về hướng có hiệu lực của biển báo “Cấm dừng xe và đỗ xe”

Nội dung câu hỏi:

Quy định về hướng có hiệu lực của biển báo Cấm dừng xe và đỗ xe. Tổng đài cho tôi hỏi, tại sao tôi dừng xe ô tô ở sau biển báo cấm dừng thì lại bị xử phạt, trong khi đó có có một chiếc xe ô tô đừng trước biển cấm dừng lại không bị phạt ạ.



Hướng có hiệu lực của biển báo cấm dừng xeTư vấn luật giao thông:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Tổng đài tư vấn. Đối với câu hỏi: Quy định về hướng có hiệu lực của biển báo Cấm dừng xe và đỗ xe; chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

Ý nghĩa biển báo P.130 “Cấm dừng và cấm đỗ”

Phụ lục B.30 QCVN 41:2019/BGTVT này quy định cụ thể về biển “Cấm dừng xe và đỗ xe” như sau:

B.30. Biển số P.130 “Cấm dừng xe và đỗ xe”

– Để báo nơi cấm dừng xe và đỗ xe, phải đặt biển số P.130 “Cấm dừng xe và đỗ xe”.

Biển có hiệu lực cấm các loại xe cơ giới dừng và đỗ ở phía đường có đặt biển trừ các xe được ưu tiên theo quy định. Đối với các loại xe ôtô buýt chạy theo hành trình quy định được hướng dẫn vị trí dừng thích hợp.

– Hiệu lực cấm của biển bắt đầu từ vị trí đặt biển đến nơi đường giao nhau hoặc đến vị trí quy định đỗ xe, dừng xe (hoặc đến vị trí đặt biển số P.135 “Hết tất cả các lệnh cấm” nếu đồng thời có nhiều biển cấm khác hết tác dụng). Nếu cần thể hiện đặc biệt thì vị trí bắt đầu cấm phải dùng biển số S.503d và vị trí kết thúc, dùng biển số S.503f “Hướng tác dụng của biển” đặt bên dưới biển chính.

– Trong trường hợp chỉ cấm dừng, đỗ xe vào giờ nhất định thì dùng biển số S.508 (a, b).

– Trong phạm vi có hiệu lực của biển, nếu có chỗ mở dải phân cách cho phép xe quay đầu thì cần đặt thêm biển số P.130 nhắc lại.

Quy định về vị trí đặt biển báo cấm theo chiều đi và hướng hiệu lực của biển

Căn cứ quy định tại Khoản 30.1 Điều 30 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT cụ thể như sau:

“Điều 30. Vị trí đặt biển báo cấm theo chiều đi và hướng hiệu lực của biển

30.1. Biển báo cấm được đặt ở nơi đường giao nhau hoặc trước một vị trí trên đường cần cấm.

Biển có hiệu lực bắt đầu từ vị trí đặt biển trở đi. Nếu vì lý do nào đó, biển đặt cách xa vị trí định cấm thì phải đặt biển phụ số S.502 để chỉ rõ khoảng cách từ sau biển cấm đến vị trí biển bắt đầu có hiệu lực.

30.2. Khi cần thiết để chỉ rõ hướng tác dụng của biển và chỉ vị trí bắt đầu hay vị trí kết thúc hiệu lực của biển phải đặt biển phụ số S.503 “Hướng tác dụng của biển”.

30.3. Các biển báo cấm từ biển số P.101 đến biển số P.120 không cần quy định phạm vi có hiệu lực của biển, không có biển báo hết cấm.

30.4. Khi cần thiết, trong trường hợp cấm vì lý do cầu đường bị tắc, hư hỏng thì kèm theo các biển báo cấm nêu tại khoản 30.3 Điều này đặt các biển chỉ dẫn lối đi
cho xe bị cấm.

30.5. Biển số P.121 và biển số P.128 có hiệu lực đến hết khoảng cách cấm ghi trên biển phụ số S.501 hoặc đến vị trí đặt biển số DP.135 “Hết tất cả các lệnh cấm”.

30.6. Biển số P.123 (a,b) và biển số P.129 có hiệu lực tại khu vực đặt biển.

30.7. Biển số P.124 (a,b,c,d, e, f) có hiệu lực ở vị trí nơi đường giao nhau, chỗ mở dải phân cách nhưng không cho phép quay đầu xe hoặc căn cứ vào biển phụ số S.503.

30.8. Biển số P.125, P.126, P.127 (a,b,c), P.130, P.131 (a,b,c) có hiệu lực đến nơi đường giao nhau tiếp giáp hoặc đến vị trí đặt biển hết cấm (các biển số DP.133, DP.134, DP.135, DP.127d). Các biển số P.130 và P.131 (a,b,c) còn căn cứ vào các biển phụ.

30.9. Nếu đoạn đường phải thi hành biển cấm đi qua các nút giao (trừ giao với các ngõ, ngách, hẻm hoặc lối ra vào cơ quan, đơn vị; hoặc khu đất lân cận mà phương tiện chỉ có thể ra, vào khu đất bằng một lối đi chung), biển cấm phải được nhắc lại đặt phía sau nút giao theo hướng đường đang có biển cấm, trừ các trường hợp có quy định riêng hoặc có biển phụ kèm theo.

Theo quy định này, hiệu lực của biển cấm dừng và cấm đỗ có hiệu lực từ vị trí đặt biển trở đi.

Như vậy, hướng hiệu lực của biển Cấm dừng xe và đỗ xe từ vị trí đặt biển đến nơi đường giao nhau hoặc đến vị trí quy định đỗ xe, dừng xe (hoặc đến vị trí đặt biển số P.135 “Hết tất cả các lệnh cấm” nếu đồng thời có nhiều biển cấm khác hết tác dụng). Do đó, nên khi bạn đỗ xe đằng sau biển báo (từ hướng nhìn của bạn) thì bạn sẽ bị xử phạt.

Hướng có hiệu lực của biển báo cấm dừng xe

Tổng đài tư vấn trực tuyến về Giao thông đường bộ: 19006172

Mức phạt khi ô tô dừng xe ở nơi có biển “Cấm dừng và cấm đỗ”

Căn cứ điểm h Khoản 2 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:

“Điều 5. Xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

2. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

h) Dừng xe không sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25 m; dừng xe trên đường xe điện, đường dành riêng cho xe buýt; dừng xe trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước; rời vị trí lái, tắt máy khi dừng xe; dừng xe, đỗ xe không đúng vị trí quy định ở những đoạn có bố trí nơi dừng xe, đỗ xe; dừng xe, đỗ xe trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; dừng xe nơi có biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm i khoản 4, điểm b khoản 6 Điều này;”

Như vậy, nếu điều khiển xe ô tô mà dừng xe nơi có biển “Cấm dừng xe và đỗ xe” thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 400.000 đồng – 600.000 đồng, mức trung bình sẽ là 500.000 đồng.

Dững xe nơi có biển “Cấm dừng và cấm đỗ” có bị tước bằng lái xe không?

Căn cứ Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:

“Điều 5. Xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

11. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Thực hiện hành vi quy định tại điểm e khoản 4 Điều này bị tịch thu thiết bị phát tín hiệu ưu tiên lắp đặt sử dụng trái quy định;

b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm đ khoản 2; điểm h, điểm i khoản 3; khoản 4; điểm a, điểm b, điểm d, điểm đ, điểm g, điểm h, điểm i khoản 5 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;

c) Thực hiện hành vi quy định tại điểm c khoản 5; điểm a, điểm b khoản 6; khoản 7 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng. Thực hiện hành vi quy định tại một trong các điểm, khoản sau của Điều này mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng: điểm a, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 1; điểm b, điểm d, điểm g khoản 2; điểm b, điểm g, điểm h, điểm m, điểm n, điểm r, điểm s khoản 3; điểm a, điểm c, điểm e, điểm g, điểm h khoản 4; điểm a, điểm b, điểm e, điểm g, điểm h khoản 5 Điều này;

d) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 9 Điều này hoặc tái phạm hành vi quy định tại điểm b khoản 7 Điều này,  bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng;

đ) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 05 tháng đến 07 tháng;

e) Thực hiện hành vi quy định tại điểm c khoản 6 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng;

g) Thực hiện hành vi quy định tại điểm c khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng;

h) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 10 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.”

Như vậy, việc dừng xe ở nơi có biển “cấm dừng và cấm đỗ ” thuộc điểm h Khoản 2 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP nêu trên không thuộc trường hợp bị tước Giấy phép lái xe theo quy định.

Trên đây là toàn bộ bài tư vấn của chúng tôi đối với câu hỏi: Quy định về hướng có hiệu lực của biển báo Cấm dừng xe và đỗ xe. Ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm bài viết:

Nếu còn vấn đề gì vướng mắc bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp.

luatannam