Đăng ký kết hôn với người nước ngoài
Thưa Luật sư: tôi muốn hỏi về vấn đề: đăng ký kết hôn với người nước ngoài. Tôi và chồng tôi kết hôn với nhau năm 2009 chỉ làm đám cưới một bên tôi nhưng không có đăng ký kết hôn. Sống được hai năm chúng tôi chia tay nhau đã được 6 năm và đã có hai đứa con chung. Hiện tại nếu tôi muốn kết hôn với một người nước ngoài. Vậy tôi cần phải có những giấy tờ gì và làm ở đâu? Xin chân thành cảm ơn.
- Hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài
- Thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân
- Cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài
Tư vấn Hôn nhân gia đình:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Tổng đài tư vấn. Trường hợp của bạn, chúng tôi xin trả lời cho bạn như sau:
Trong trường hợp này, bạn và chồng cưới nhau nhưng không đăng ký kết hôn nên không được thừa nhận về mặt pháp lý. Do đó, nếu bạn muốn kết hôn với người nước ngoài thì thực hiện theo thủ tục tại Điều 38 Luật hộ tịch năm 2014 và hướng dẫn tại Điều 30, 31, 32 Nghị định 123/2015/NĐ-CP. Cụ thể
Bước 01: Nam, nữ nộp hồ sơ đăng ký kết hôn cho cơ quan đăng ký kết hôn.
Hồ sơ đăng ký kết hôn bao gồm:
– 01 Tờ khai đăng ký kết hôn. (theo mẫu đính kèm).
– Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người Việt Nam và người nước ngoài.
– Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu (trường hợp không có hộ chiếu thì có thể có thể xuất trình giấy tờ đi lại quốc tế hoặc thẻ cư trú theo Khoản 2 Điều 30 Nghị định 123/2015/NĐ-CP).
– Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
Lưu ý: đối với giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài:
– Thông thường giấy này do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp và giấy này phải còn giá trị sử dụng xác nhận hiện tại người đó không có vợ hoặc chồng.
– Nếu không cấp giấy xác nhận này thì thay bằng giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn theo quy định pháp luật nước đó.
– Nếu giấy chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài không ghi thời hạn sử dụng thì giấy tờ này chỉ có giá trị 06 tháng kể từ ngày cấp.
Bước 2: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ công chức làm công tác hộ tịch có trách nhiệm xác minh, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật thì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết.
Nếu hồ sơ hợp lệ, các bên có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, không thuộc trường hợp từ chối kết hôn đăng ký kết hôn theo quy định tại Điều 33 của Nghị định này thì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký 02 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.
Bước 3: Khi đăng ký kết hôn cả hai bên nam, nữ phải có mặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân, công chức làm công tác hộ tịch hỏi ý kiến hai bên nam, nữ, nếu các bên tự nguyện kết hôn thì ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn.
Tư vấn pháp luật Hôn nhân gia đình trực tuyến 24/7: 19006172
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký Giấy chứng nhận kết hôn, Phòng Tư pháp tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.
Chính phủ quy định bổ sung giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kết hôn, việc phỏng vấn, xác minh mục đích kết hôn khi giải quyết yêu cầu đăng ký kết hôn; thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam để kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên.
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ: Ủy ban nhân dân huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo cụ thể hơn bài viết sau: Thời hạn đăng ký kết hôn với người nước ngoài
Mọi vấn đề vướng mắc xin vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900 6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.