Nội dung câu hỏi:
Sổ của tôi công ty cũ đang giữ, thời hạn hợp đồng lao động là 3 năm nhưng làm chưa đến 1 năm thì xin nghỉ. Tôi trình đơn xin nghỉ, họ đồng ý cho tôi nghỉ 3 ngày sau khi tôi bàn giao công việc, và hướng dẫn tôi làm đơn xin đền hợp đồng bằng số tiền lương còn lại và nói tôi về chờ quyết định của ban giám đốc công ty. Sau hơn 1 tháng luật sư công ty liên lạc lại và nói hoặc là tôi đền bù hợp đồng lao động hoặc là tôi quay lại làm việc. Tôi đã trình bày lý do tôi không thể làm việc và không có điều kiện đền bù hợp đồng. Về giấy tờ bên công ty cũ chưa thanh lý hợp đồng và chưa trả sổ Bảo Hiểm cho tôi. Tôi xin hỏi tư vấn giúp tôi về cách giải quyết vấn đề này.
- Doanh nghiệp bị phạt như thế nào khi không chịu trả sổ cho người lao động
- Có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi công ty trả sổ muộn không
- Lao động nữ khi mang thai có được tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động?
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Tổng đài tư vấn. Đối với trường hợp của bạn; chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:
Quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NLĐ
Căn cứ Điều 35 Bộ luật lao động năm 2019 về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động:
“Điều 35. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:
a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;
b) Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;
c) Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
d) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
đ) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;
e) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
g) Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động“.
Căn cứ Điều 39 Bộ luật lao động năm 2019 về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật:
“Điều 39. Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định tại các điều 35, 36 và 37 của Bộ luật này.”
Như vậy, trong thời gian bạn đang nghỉ việc và công ty chưa thanh lý hợp đồng thì hợp đồng vẫn còn hiệu lực và có sự ràng buộc về mặt pháp lý đối với bạn, còn thời gian 01 tháng bạn viết đơn và ở nhà chờ thông báo của công ty được tính là thời gian báo trước. Tuy nhiên, bạn trình bày là không thể làm việc tiếp được nhưng không nói rõ nên chúng tôi không biết trường hợp này của bạn có thuộc một trong các căn cứ chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại các điểm d. đ, e và g khoản 1 Điều 37 Bộ luật lao động hay không. Do đó, nếu bạn thuộc một trong các trường hợp trên sẽ được xác định là chấm dứt hợp đồng đúng pháp luật còn nếu không sẽ được xác định là chấm dứt hợp đồng trái pháp luật.
Trách nhiệm của NLĐ khi chấm dứt HĐLĐ trái luật;
Ngoài ra, căn cứ Điều 40 Bộ luật lao động năm 2019 về nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật:
“Điều 40. Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
1. Không được trợ cấp thôi việc.
2. Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
3. Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này“.
Do đó, dù khi chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì bạn sẽ chỉ phải bồi thường cho công ty nửa tháng tiền lương theo hợp đồng cộng với hoàn trả chi phí đào tạo cho công ty (nếu có) mà không phải là bồi thường hợp đồng bằng số tiền lương còn lại như công ty trình bày.
Trách nhiệm của Công ty khi người lao động nghỉ việc;
Bên cạnh đó, căn cứ Điều 48 Bộ luật lao động năm 2019 về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động:
“Điều 48. Trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động
1. Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:
a) Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
b) Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;
c) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;
d) Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
2. Tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:
a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;
b) Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả“.
Như vậy, khi chấm dứt hợp đồng lao động kể cả trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì công ty có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà công ty giữ lại của người lao động. Do đó, đối với hành vi công ty không trả số bảo hiểm xã hội thì sẽ được giải quyết theo pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Công ty giữ sổ BHXH, NLĐ phải làm gì
Căn cứ Điều 118 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 khiếu nại về bảo hiểm xã hội:
“1. Người lao động, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và những người khác có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình“
Căn cứ khoản 2 Điều 119 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 về trình tự giải quyết khiếu nại về bảo hiểm xã hội:
“2. Việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì người khiếu nại có quyền lựa chọn một trong hai hình thức sau đây:
a) Khiếu nại lần đầu đến cơ quan, người đã ra quyết định hoặc người có hành vi vi phạm. Trường hợp cơ quan, người có quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội bị khiếu nại không còn tồn tại thì cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện có trách nhiệm giải quyết;
b) Khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp người khiếu nại được quy định tại điểm a khoản 2 Điều này không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án hoặc khiếu nại đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án”.
Tư vấn bảo hiểm xã hội trực tuyến 24/7: 1900 6172
Vậy nên, với trường hợp này nếu sau khi chấm dứt hợp đồng lao động mà công ty không chốt sổ cho bạn thì bạn có thể lựa chọn một trong các phương thức giải quyết sau:
Thứ nhất, khiếu nại đến Giám đốc công ty của bạn hoặc khiếu nại lên cơ quan quản lý lao động cấp huyện là Phòng lao động – Thương binh và xã hội.
Thứ hai, khởi kiện ra Tòa án và theo quy định của pháp luật hiện hành là Tòa án quận/huyện nơi công ty bạn có trụ sở, quy trình giải quyết sẽ căn cứ theo quy định Bộ luật tố tụng dân sự 2004 sửa đổi bổ sung 2011.
Trong quá trình giải quyết nếu còn vấn đề gì thắc mắc vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.