Trách nhiệm trả lương của người sử dụng lao động cho người lao động
Tôi làm việc tại một công ty xây dựng. Đội của tôi gồm 12 người. Theo thỏa thuận thì công ty sẽ trả trước 80% lương mỗi tháng. Còn 20% lương còn lại sẽ quyết toán sau khi hoàn thành công trình. Tuy nhiên tháng 10 năm 2015 tôi và 1 số anh em xin nghỉ làm việc ở công ty. Sang tháng 1 năm nay công ty có quyết toán tiền lương nhưng chỉ trả cho những người còn làm trong công ty còn những người nghỉ như chúng tôi thì không được chi trả với lý do đã nghỉ việc? Như vậy có đúng không? Tôi phải làm như thế nào?
Bài viết liên quan:
- Xử lý khi doanh nghiệp vi phạm chế độ tiền lương với người lao động
- Công ty không trả lương tháng 13 cho người lao động thì có vi phạm pháp luật không?
- Quy định về tiền lương trong thời gian làm việc
Tư vấn Hợp đồng lao động:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Tổng đài tư vấn. Với câu hỏi của bạn; chúng tôi xin trả lời như sau:
Căn cứ theo Điều 95 Bộ Luật Lao động năm 2012 thì kỳ hạn trả lương được quy định như sau:
“1. Người lao động hưởng lương giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận, nhưng ít nhất 15 ngày phải được trả gộp một lần.
2. Người lao động hưởng lương tháng được trả lương tháng một lần hoặc nửa tháng một lần.
3. Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.”
Đối với trường hợp người lao động hưởng lương theo tháng thì :
“1. Người lao động hưởng lương tháng được trả lương tháng một lần hoặc nửa tháng một lần.
2. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và được ấn định vào một thời điểm cố định trong tháng.”- Điều 23 Nghị định 05/2015/NĐ-CP
Bên cạnh đó về nguyên tắc trả lương theo quy định tại Điều 96 Bộ luật lao động 2012 thì:
“Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.
Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.”
Như vậy, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ và đúng hạn tiền lương cho người lao động như đã giao kết. Theo quy định về kỳ hạn trả lương thì người sử dụng lao động có thể thỏa thuận với người lao động về việc trả lương nếu người lao động làm công việc hưởng lương theo sản phẩm hoặc theo khoán. Tuy nhiên nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hàng tháng phải có tiền tạm ứng cho khối công việc đã hoàn thành xong.
Trong trường hợp của bạn, công ty và bạn đều đồng ý thỏa thuận trả lương 80% mỗi tháng còn 20% lương còn lại sẽ được quyết toán sau khi hoàn thành công việc. Tuy nhiên, từ tháng 10 năm 2015 bạn và một số anh em chuyển sang làm việc tại công ty khác thì đến tháng 1 năm 2016 công ty thực hiện việc quyết toán tiền lương nhưng chỉ trả cho những người còn làm việc trong công ty còn những người đã nghỉ thì không được chi trả là không có căn cứ theo quy định của pháp luật vì:
Thứ nhất, công ty có nghĩa vụ trả đủ lương cho bạn cho thời gian bạn làm việc tại công ty . Vì vậy, khi bạn xin nghỉ việc tức là chấm dứt hợp đồng lao động tại công ty thì công ty vẫn phải thanh toán đầy đủ tiền lương cũng như các khoản có liên quan đến quyền lợi được hưởng theo quy định tại khoản 2 Điều 47 Bộ luật lao động 2012:
“2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.”
Vì vậy, phía công ty cho rằng bạn không còn làm việc tại công ty để từ chối thanh toán phần lương còn lại của bạn mà công ty có nghĩa vụ thanh toán cho bạn không được coi là lý do hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900 6172
Thứ hai, việc chi trả 20% lương còn lại như đã thỏa thuận là trách nhiệm của công ty phải chi trả đầy đủ tiền lương cho người lao động. Vì vậy, bạn sẽ làm đơn yêu cầu công ty thanh toán nốt số tiền lương còn lại, còn nếu công ty không thực hiện nghĩa vụ nói trên thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định 88/2015/NĐ- CP. Cụ thể:
“3. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm, tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; trả lương không đúng quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động, trong thời gian tạm đình chỉ công việc, trong thời gian đình công, những ngày người lao động chưa nghỉ hàng năm theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.”
Trong quá trình giải quyết nếu còn vấn đề gì thắc mắc vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900 6172 để được trực tiếp tư vấn, giải đáp.
- Các trường hợp viên chức có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc
- Thời gian nghỉ giữa giờ khi người lao động làm việc vào ban đêm
- Điều kiện của người giao kết hợp đồng lao động với người chưa đủ 15 tuổi
- Nghỉ lễ tết thì người lao động có được hưởng lương không?
- Doanh nghiệp có được lập sổ quản lý lao động bằng bản điện tử?