Có phải bồi thường cho người bị thiệt hại trong tai nạn giao thông
Chào công ty, mong công ty giải quyết vấn đề này giúp em. Ngày 15/2 em đang điều khiển xe ô tô trên quốc lộ 1A đi qua địa phận thị trấn Nghi Lộc, Nghệ An. Đoạn đường này là đoạn đường đôi có dải phân cách cứng thì có va chạm với một xe mô tô đi ngược chiều làm cho người điều khiển mô tô bị thương và phải điều trị hết 70 triệu đồng.
Cơ quan công an kết luận như sau: nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông là do người điều khiển xe mô tô đi ngược chiều. Còn về em họ kết luận điều khiển xe ô tô trong hơi thở có nồng độ cồn, xe quá hạn kiểm định 2 tháng và thiếu chú ý quan sát. Em đang bồi thường cho bên người điều khiển xe mô tô 25 triệu nhưng người đó vẫn không chịu. Vậy em hỏi có phải bồi thường cho người bị thiệt hại và bồi thường bao nhiêu? Nếu ra tòa em có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Em xin cảm ơn!
Về vấn đề: Có phải bồi thường cho người bị thiệt hại trong tai nạn giao thông; Tổng đài tư vấn xin trả lời cho bạn như sau:
Thứ nhất, quy định về vấn đề bồi thường khi xảy ra tai nạn giao thông
Căn cứ vào Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại:
“Điều 584: Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”
Theo quy định trên, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại dựa vào yếu tố lỗi của chủ thể thực hiện hành vi vi phạm. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, cả hai bên đều có lỗi thì theo điều 585 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại, theo đó:
“Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.”
Như vậy, theo nguyên tắc của pháp luật, bên bị thiệt hại có phát sinh lỗi trong quá trình xảy ra tai nạn thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
Cơ quan điều tra sẽ đưa ra kết luận về lỗi của các bên và các bên dựa vào tỉ lệ lỗi của mình thỏa thuận mức bồi thường. Nếu không thỏa thuận được mức bồi thường giữa hai bên thì có thể thông qua tòa án để giải quyết.
-->Trách nhiệm bồi thường dân sự khi xảy ra tai nạn giao thông
Thứ hai, về trách nhiệm hình sự khi xảy ra tai nạn giao thông
Về liên quan đến trách nhiệm hình sự, Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 quy định như sau:
Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
“
Vậy nên, trong trường hợp bạn điều khiển phương tiện giao thông mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ và gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại cho sức khỏe, tài sản của người khác thì bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trách nhiệm hình sự phát sinh khi đáp ứng hai điều kiện là có yêu cầu của bên bị thiệt hại và người bị thiệt hại bị thương tích trên 31%.
-->Trách nhiệm hình sự khi xảy ra tai nạn giao thông làm chết người
Thứ ba, về vấn đề xử phạt vi phạm hành chính khi xảy ra tai nạn giao thông
Ngoài ra, bạn có vi phạm Luật giao thông với lỗi trong hơi thở có nồng độ cồn, xe quá hạn kiểm định và thiếu chú ý quan sát. Với những lỗi này bạn sẽ phải chịu xử phạt hành chính theo quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Dịch vụ tư vấn trực tuyến về Giao thông đường bộ: 19006172
“Điều 5. Xử phạt người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
7. Phạt tiền 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
c) Không chú ý quan sát, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông; tránh, vượt không đúng quy định gây tai nạn giao thông hoặc không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông;
Điều 16. Xử phạt người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông
5. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
e) Điều khiển xe không có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định, trừ xe đăng ký tạm thời) hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 01 tháng trở lên (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).
6. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
c) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm d, Điểm đ Khoản 5 Điều này bị tịch thu Giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy đăng ký xe, biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.”
Như vậy, với lỗi không chú ý quan sát gây tai nạn giao thông, bạn sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng. Với lỗi tem kiểm định an toàn kỹ thuật quá hạn 2 tháng, bạn sẽ bị xử phạt từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.
Đối với lỗi trong hơi thở có nồng độ cồn, vì bạn không nói rõ nồng độ cồn trong hơi thở là bao nhiêu nên không thể đưa ra mức xử phạt rõ ràng cho bạn.
Mọi thắc mắc liên quan đến có phải bồi thường cho người bị thiệt hại trong tai nạn giao thông, xin vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được trực tiếp tư vấn, giải đáp.
-->Gây ra tai nạn giao thông bị phạt như thế nào theo quy định
- Quy định về cấp đổi giấy phép lái xe do ngành Công an cấp khi nghỉ hưu
- Người ngồi sau xe máy không đội mũ bảo hiểm thì bị phạt như thế nào?
- Xử phạt điều khiển xe khách 16 chỗ của công ty chở quá số người được phép
- Biển báo P.119 có ý nghĩa như thế nào?
- Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận cải tạo xe cơ giới năm 2023