Em và người yêu em có một đứa con rồi mà chúng em chưa kết hôn. Vậy cho em hỏi giờ chúng em kết hôn và làm khai sinh cho con như thế nào và có gặp khó khăn gì khi làm thủ tục kết hôn không và có bị sai pháp luật không ạ? Em xin cảm ơn.
- Kết hợp đăng ký khai sinh và nhận cha – mẹ cho con
- Cơ quan có thẩm quyền đăng ký khai sinh
- Liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi
Tư vấn hôn nhân và gia đình:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Tổng đài tư vấn. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn và người yêu chưa đăng ký kết hôn nhưng có con chung với nhau. Do đó, để đăng ký kết hôn bạn và người yêu cần đáp ứng các điều kiện theo luật định.
Thứ nhất, về việc đăng ký kết hôn;
Trước hết, để xác lập một mối quan hệ hôn nhân có giá trị pháp lí và được Nhà nước thừa nhận, bạn cần thực hiện việc đăng kí kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 9 Luật hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13:
“1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.
2. Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.“
Tuy nhiên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ cho phép bạn đăng kí kết hôn khi bạn đáp ứng đầy đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2014:
“1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này”.
Như vậy, hai bạn cần đáp ứng các điều kiện nên trên thì mới được phép đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật. Việc có con trước khi kết hôn sẽ không ảnh hưởng đến đăng ký kết hôn của hai bạn tại cơ quan hộ tịch. Để biết về thủ tục đăng ký kết hôn, bạn vui lòng tham khảo thêm bài viết sau: Thủ tục đăng ký kết hôn.
Thứ hai, về việc khai sinh cho con sau khi kết hôn.
Do con bạn được sinh trước khi kết hôn nên về nguyên tắc khi khai sinh cho con phải kết hợp đăng ký khai sinh và nhận cha cho con. Khi đó, trên giấy khai sinh của con sẽ có đầy đủ họ tên của bố, mẹ.
Căn cứ Điều 12 Thông tư 15/2015/TT-BTP ngày 16 tháng 11 năm 2015 quy định như sau:
Khi đăng ký khai sinh cho trẻ em mà có người yêu cầu đăng ký nhận con thì cơ quan đăng ký hộ tịch kết hợp giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh và thủ tục đăng ký nhận con như sau:
Hồ sơ gồm:
1. Tờ khai đăng ký khai sinh và tờ khai đăng ký nhận con theo mẫu quy định;
2. Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật hộ tịch 2014 như sau:
Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh;
3. Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 11 của Thông tư 15/2015/TT-BTP:
Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật hộ tịch số 60/2014/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2014 gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:
– Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
– Trường hợp không có văn bản quy định tại khoản 1 Điều này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.
Tư vấn pháp luật Hôn nhân gia đình trực tuyến 24/7: 19006172
Cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm giải thích rõ trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan, làm chứng không đúng sự thật.
Cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này hoặc hủy bỏ kết quả đăng ký hộ tịch, nếu có cơ sở xác định nội dung cam đoan, làm chứng không đúng sự thật. Các giấy tờ khác, trình tự giải quyết được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 16 và Điều 25 của Luật hộ tịch trong trường hợp thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã; theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 36 và Điều 44 của Luật hộ tịch trong trường hợp thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Như vậy, trong trường hợp này, bạn có thể làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con đồng thời người cha có thể làm thủ tục nhận con. Tuy nhiên, bạn cần khai sinh cho con đúng theo thời hạn mà pháp luật quy định. Nếu khai sinh muộn sẽ bị xử phạt hành chính.
Bạn vui lòng tham khảo thêm bài viết sau: Mức phạt khi đăng ký khai sinh muộn mới nhất năm 2016
Mọi vấn đề, thủ tục còn vướng mắc xin vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900 6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.