19006172

Điều kiện để được cấp phù hiệu chạy trên 300km đối với xe chở khách

Điều kiện để được cấp phù hiệu chạy trên 300km đối với xe chở khách

Cho tôi hỏi phù hiệu xanh và phù hiệu đỏ thì cái nào có thể chạy trên 300km? Để cấp phù hiệu chạy trên 300km đối với xe chở khách theo hợp đồng thì có cần điều kiện gì không? Nếu tôi chỉ có phù hiệu dưới 300km mà tôi cứ chạy hơn 300km thì bị phạt nặng lắm không? Chủ xe trong trường hợp đó có bị phạt cùng hay không?



Phù hiệu chạy trên 300km đối với xe chở khách

Tổng đài tư vấn Luật giao thông đường bộ 24/7: 1900 6172

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn về vấn đề phù hiệu chạy trên 300km; đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Thứ nhất, phù hiệu xanh hay phù hiệu hồng có thể chạy trên 300km?

Căn cứ tại Phụ lục 27b ban hành kèm theo Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT như sau:

“4. Mầu sắc của phù hiệu

a) Phù hiệu sử dụng cho xe chạy cự ly lớn hơn 300 km

Khung viền và chữ màu đỏ đậm, nền màu xanh nhạt in chìm hình một chiếc xe tải.

b) Phù hiệu sử dụng cho xe chạy cự ly đến 300 km

Khung viền và chữ màu xanh đậm, nền màu hồng nhạt có in chìm hình một chiếc xe tải.”

Như vậy, theo quy định này thì phù hiệu nền màu xanh là phù hiệu sử dụng cho xe chạy cự ly lớn hơn 300km.

Thứ hai, để cấp phù hiệu chạy trên 300km đối với xe chở hành khách theo hợp đồng thì có cần điều kiện gì không?

Căn cứ theo Điều 18 Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định:

“Điều 18. Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, vận tải khách du lịch bằng xe ô tô

1. Đơn vị kinh doanh vận tải có đủ các điều kiện quy định tại Điều 13 Nghị định này.

3. Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có niên hạn sử dụng theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 3 Điều 15 Nghị định này.

4. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2017, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải khách du lịch vận chuyển hành khách trên hành trình có cự ly từ 300 ki lô mét trở lên phải có số lượng xe tối thiểu như sau:

a) Đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc Trung ương: Từ 10 xe trở lên;

b) Đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các địa phương còn lại: Từ 05 xe trở lên, riêng đơn vị có trụ sở đặt tại huyện nghèo theo quy định của Chính phủ: Từ 03 xe trở lên.”

Đồng thời căn cứ theo quy định tại Điều 13 của Nghị định này.

Như vậy, để được cấp phù hiệu chạy trên 300km đối với xe chở hành khách theo hợp đồng thì đơn vị bạn phải đáp ứng đủ các yêu cầu chung về điều kiện kinh doanh vận tải, bên cạnh đó đơn vị của bạn cũng phải đáp ứng điều kiện riêng đối với xe kinh doanh vận tải hành khách cự ly từ 300 km trở lên theo các quy định bên trên.

Thứ ba, mức phạt khi chỉ có phù hiệu dưới 300km mà cứ chạy hơn 300km?

Căn cứ theo điểm đ khoản 6 và điểm a khoản 8 Điều 23 Nghị định 46/2016/NĐ-CP:

“Điều 23. Xử phạt người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người vi phạm quy định về vận tải đường bộ

6. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

đ) Điều khiển xe chở hành khách không có hoặc không gắn phù hiệu (biển hiệu) theo quy định hoặc có nhưng đã hết giá trị sử dụng hoặc sử dụng phù hiệu (biển hiệu) không do cơ quan có thẩm quyền cấp;

8. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
a) Thực hiện hành vi quy định tại Khoản 2, Khoản 4 (trường hợp vượt trên 50% đến 100% số người quy định được phép chở của phương tiện); Điểm c, Điểm d, Điểm e Khoản 3; Điểm a, Điểm b, Điểm c, Điểm d, Điểm đ, Điểm e, Điểm h, Điểm i, Điểm k, Điểm l,Điểm m Khoản 5; Khoản 6; Khoản 7 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;”

Như vậy, trong trường hợp này, bạn chỉ có phù hiệu hồng mà vẫn chạy xe quá 300km thì sẽ bị xử phạt đối với lỗi không có phù hiệu. Mức phạt cụ thể là:

– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

– Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

Thứ tư, chủ xe có bị phạt cùng không?

Căn cứ theo điểm d khoản 8 Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định:

“8. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

d) Giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm d, Điểm đ Khoản 6 Điều 23; Điểm b, Điểm c Khoản 5 Điều 24 Nghị định này hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm d, Điểm đ Khoản 6 Điều 23; Điểm b, Điểm c Khoản 5 Điều 24 Nghị định này.”

Như vậy, chủ xe cũng bị phạt. Mức phạt cụ thể:

– Đối với chủ phương tiện là cá nhân: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.

– Đối với chủ phương tiện là tổ chức: Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng.

Nếu còn vướng mắc xin vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn giao thông đường bộ trực tuyến 1900 6172 để được trực tiếp tư vấn, giải đáp.

-> Thủ tục gắn phù hiệu cho xe tải theo quy định mới nhất

 

luatannam