Người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật
Xin cho hỏi về vấn đề: Người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật. Tôi và cô ấy yêu nhau và dự tính đến việc kết hôn nhưng bị hai gia đình phản đối do không hợp tuổi. Sau đó, cô ấy bị gia đình bắt ép lấy một người khác, hôn nhân sau đó cũng không hạnh phúc. Tôi được biết nếu kết hôn mà không tự nguyện, bị cưỡng ép thì có thể hủy việc kết hôn. Cô ấy lo sợ gia đình nên không dám làm việc đó. Vậy không biết tôi là người ngoài thì có tư cách để yêu cầu hủy việc kết hôn của vợ chồng cô ấy hay không?
Bài viết liên quan:
- Hủy việc kết hôn trái pháp luật do bị cưỡng ép
- Ly hôn khi không đăng ký kết hôn
- Áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình
Tư vấn hôn nhân và gia đình:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Tổng đài tư vấn. Trường hợp về người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, chúng tôi xin trả lời cho bạn như sau:
Căn cứ quy định tại Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, điều kiện kết hôn được xác định như sau:
“1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.”
Khi việc kết hôn vi phạm một trong số các điều kiện trên thì có thể xác định việc kết hôn đó trái pháp luật và có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật đó.
Trong trường hợp mà bạn đưa ra, gia đình cô gái có hành vi bắt ép cô ấy kết hôn với một người khác mà không có sự tự nguyện, tự do ý chí của cô ấy. Xem xét hành vi của gia đình cô ấy, bạn có thể tham khảo để xác định hành vi đó có phải là hành vi cưỡng ép theo quy định pháp luật tại khoản 2 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSDTC-BTP hay không:
“Cưỡng ép kết hôn là dùng mọi thủ đoạn bắt buộc người khác (bên nam, bên nữ hoặc cả hai bên) phải kết hôn trái với ý muốn của họ.
Cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ là dùng mọi thủ đoạn để ngăn cản việc kết hôn của người có đủ điều kiện kết hôn theo luật định hoặc có hành vi cản trở người khác duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc buộc họ phải cắt đút quan hệ hôn nhân đó.
Hành vi cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc thủ đoạn khác.
a) Hành hạ, ngược đãi là đối xử tàn ác, tồi tệ đối với người khác gây đau khổ về thể xác hoặc tinh thần kéo dài, như: thường xuyên đánh đập (có thể không gây thương tích), giam hãm, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, nhiếc móc, làm nhục v.v… nhằm mục đích cưỡng ép việc kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Cần lưu ý rằng, hành vi hành hạ, ngược đãi là thủ đoạn của tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cho nên không truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về tội hành hạ, ngược đãi quy định tại Điều 110 hoặc Điều 151 BLHS.
b) Uy hiếp tinh thần là đe dọa sẽ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, tài sản hoặc lợi ích thiết thân của người bị đe doạ làm cho người đó có căn cứ để lo sợ thực sự mà phải chịu khuất phục như đe doạ sẽ đốt nhà, giết người thân, tiết lộ bí mật đời tư của người bị đe doạ, bố mẹ hoặc người thân trong gia đình đe doạ sẽ tự tử nếu hai bên nam nữ lấy nhau, con đe doạ là sẽ bỏ nhà hoặc tự tử nếu bố, mẹ lấy vợ, lấy chồng mới v.v…
c) Yêu sách của cải là đòi hỏi của cải một cách quá đáng, không nhân nhượng và coi đó là một trong những điều kiện để được kết hôn nhằm cản trở hôn nhân tự nguyện giữa đôi bên nam nữ.
d) Thủ đoạn khác có thể là buộc một bên hoặc cả hai bên đi xa nhằm chia rẽ họ; bắt cóc người không muốn lấy mình làm vợ hoặc làm chồng để buộc họ phải kết hôn trái ý muốn; một bên gia đình tiến hành dựng vợ, gả chồng cho người thân của mình với người khác trái với ý muốn của người đó nhằm chia rẽ người thân đó với người mà họ muốn tự nguyện kết hôn; v.v…
2.2. Chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi người vi phạm đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.“
Nếu gia đình cô ấy có các hành vi cưỡng ép theo như quy định trên đây, vậy việc kết hôn của hai người vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình. Khi đó, các chủ thể quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật hôn nhân có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật:
” 2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật này:
a) Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.”
Tư vấn pháp luật Hôn nhân gia đình trực tuyến 24/7: 19006172
Như vậy, trong trường hợp này, chỉ có những cá nhân là cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người kết hôn trái pháp luật mới có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.
Và nếu bạn không yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật với tư cách là đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước về gia đình hay cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em thì bạn không có quyền được yêu cầu tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật của người khác.
Tuy nhiên, khi phát hiện ra việc kết hôn trái pháp luật như vậy, bạn hoàn toàn có thể thông báo và yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, về trẻ em hay hội liên hiệp phụ nữ vào cuộc để giải quyết.
Ngoài ra, bản thân người vợ nếu nhận thấy mình bị cưỡng ép kết hôn và hiện tại cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, không có mong muốn tiếp tục chung sống với chồng thì việc kết hôn của cô ấy có thể xác định vi phạm điều kiện kết hôn tại điểm b khoản 1 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình: ” Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định”.
Khi đó, người vợ có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật được quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật hôn nhân và gia đình 2014:
“1. Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 của Luật này.”
Trên đây là giải đáp về vấn đề: Người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật
Mọi vấn đề, thủ tục còn vướng mắc xin về Người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, bạn vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900 6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.