19006172

Xe máy chở hàng như thế nào thì bị coi là chở hàng cồng kềnh?

Nội dung câu hỏi:

Tôi có một câu hỏi như sau. Hôm trước, tôi có chở xe máy một tấm gương, có người ngồi phía sau giữ. Tấm gương khá là nhỏ, rộng chừng nửa mét, cao 1,2 mét, không hề gây ảnh hưởng đến người tham gia giao thông khác. Đang đi trên đường thì tôi bị cảnh sát giao thông tuýt còi. Tôi vi phạm lỗi chở hàng cồng kềnh. Vậy xin cho tôi hỏi, khi nào thì bị coi là chở hàng cồng kềnh, khi nào thì không sao. Đồng thời, mức phạt của tôi trong trường hợp này là bao nhiêu? Có bị tước Giấy phép lái xe không? Khi tôi vi phạm thì CSGT có lấy Giấy phép lái xe của tôi thì có đúng không?


chở hàng cồng kềnh

Vấn đề của bạn Tổng đài tư vấn xin tư vấn cho bạn như sau:

Xe máy chở hàng cồng kềnh được hiểu thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 19 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT quy định:

“Điều 19. Chiều rộng và chiều dài xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi lưu thông trên đường bộ

1. Chiều rộng xếp hàng hóa cho phép trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là chiều rộng của thùng xe theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Chiều dài xếp hàng hóa cho phép trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không được lớn hơn 1,1 lần chiều dài toàn bộ của xe theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và không lớn hơn 20,0 mét. Khi chở hàng hóa có chiều dài lớn hơn chiều dài của thùng xe phải có báo hiệu theo quy định và phải được chằng buộc chắc chắn, bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ.

3. Xe chở khách không được phép xếp hàng hóa, hành lý nhô ra quá kích thước bao ngoài của xe.

4. Xe mô tô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3 mét, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,5 mét. Chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 1,5 mét.

5. Xe thô sơ không được xếp hàng hóa vượt phía trước và phía sau quá 1/3 chiều dài thân xe và không quá 1,0 mét; không được vượt quá 0,4 mét về mỗi bên bánh xe.”

Như vậy, nếu bạn chở hàng vượt quá một trong các giới hạn trên thì sẽ bị coi là chở hàng cồng kềnh. Bạn cần lưu ý về chiều cao xếp hàng hóa là tính từ mặt đường. Do đó, việc tấm gương của bạn tuy chỉ cao 1,2 mét nhưng nếu trong quá trình tham gia giao thông, bạn để tấm gương cao tính từ mặt đường tới mép trên của gương vượt quá 1,5 mét thì đã vi phạm lỗi chở hàng cồng kềnh.

-->Giới hạn chở hàng hóa cho phép của xe máy và mức phạt nếu vi phạm

Mức phạt lỗi điều khiển xe máy chở hàng cồng kềnh

Căn cứ theo Điểm k Khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:

“Điều 6. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện); các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

3. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

k) Người đang điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh; chở người đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác;”

Như vậy, bạn đi xe máy chở hàng cồng kềnh thì sẽ bị xử phạt với mức tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng. Mức xử phạt trung bình sẽ là 500.000 đồng.

Xe máy chở hàng cồng kềnh có bị tước GPLX không?

Căn cứ theo Điểm c Khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:

“Điều 6. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện); các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

10. Ngoài việc bị xử phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

c) ..Thực hiện hành vi quy định tại một trong các điểm, khoản sau của Điều này mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng: Điểm a, điểm g, điểm h, điểm k, điểm l, điểm m, điểm n, điểm q khoản 1; điểm b, điểm d, điểm e, điểm g, điểm l, điểm m khoản 2; điểm b, điểm c, điểm k, điểm m khoản 3; điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h khoản 4 Điều này;”

Như vậy, bạn đi xe chở hàng cồng kềnh thì sẽ bị xử phạt theo điểm k Khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019 nêu trên. Ngoài ra, nếu bạn gây tai nạn giao thông vì chở hàng cồng kềnh thì còn bị tước bằng lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng. Do đó, trường hợp chở hàng cồng kềnh trên xe máy không gây tai nạn thì bị phạt tiền không áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước Giấy phép lái xe.

chở hàng cồng kềnh

Tổng đài tư vấn dịch vụ về Giao thông đường bộ: 19006172

Có bị tạm giữ phương tiện khi chở hàng cồng kềnh

Căn cứ theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính giao thông đường bộ, đường sắt.

“Điều 82. Tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm

1. Để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được phép tạm giữ phương tiện tối đa đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt đối với những hành vi vi phạm được quy định tại các điều, khoản, điểm sau đây của Nghị định này và phải tuân thủ theo quy định tại khoản 2 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính:

b) Điểm b, điểm c khoản 6; điểm c khoản 7; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm e, điểm g, điểm h, điểm i khoản 8; khoản 9 Điều 6;”

Như vậy, bạn đi xe máy có mang vác vật cồng kềnh, xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định thuộc điểm k Khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP nên với lỗi này bạn không bị tạm giữ phương tiện.

Mọi thắc mắc liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính khi tham gia giao thông, xin vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900.6172để được trực tiếp tư vấn, giải đáp.

-->Quy định về việc xếp hàng hóa trên xe thô sơ và mức xử phạt khi vi phạm

luatannam