Thủ tục xin cấp giấy phép lao động
Doanh nghiệp tôi có nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài. Tôi chưa rõ về thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài. Mong quý công ty tư vấn cho tôi.
- Người nước ngoài có phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp không
- Cách tính thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài
- Có phải đóng bảo hiểm xã hội cho người được cử đi đào tạo ở nước ngoài?
Tư vấn hợp đồng lao động:
Với trường hợp của bạn Tổng đài tư vấn xin trả lời cho bạn như sau:
Căn cứ khoản 1 Điều 169 Bộ luật lao động 2012 về điều kiện của lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam quy định:
Lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Có trình độ chuyên môn, tay nghề và sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc;
c) Không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài;
d) Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ các trường hợp theo quy định tại Điều 172 của Bộ luật này.
Vì vậy, để sử dụng người lao động là công dân nước ngoài, đơn vị bạn phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động cho người lao động đó.
- Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động được quy định tại Điều 10 Nghị định 102/2013/NĐ-CP và được cụ thể hóa tại Điều 5 Thông tư 03/2014/TT-BLĐTBXH quy định về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
1. Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động của người sử dụng lao động quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 102/2013/NĐ-CP theo Mẫu số 6 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Giấy chứng nhận sức khỏe được cấp ở nước ngoài hoặc Việt Nam theo quy định của Bộ Y tế có giá trị trong thời hạn 6 tháng, tính đến thời điểm nộp hồ sơ; (theo Thông tư 14/2013/TT-BYT ngày 6/5/2013 của Bộ Y tế)
3. Văn bản xác nhận không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Khoản 3 Điều 10 Nghị định số 102/2013/NĐ-CP, thực hiện như sau:
a) Trường hợp người lao động nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam thì phải có Phiếu lý lịch tư pháp do Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia cấp hoặc trường hợp đang cư trú tại Việt Nam phải có Phiếu lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp và văn bản xác nhận không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp;
b) Trường hợp người lao động nước ngoài chưa từng cư trú tại Việt Nam thì phải có văn bản xác nhận không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp.
4. Văn bản xác nhận là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật quy định tại Khoản 4 Điều 10 Nghị định số 102/2013/NĐ-CP, thực hiện như sau:
a) Đối với người lao động nước ngoài là nhà quản lý, giám đốc điều hành thì phải có một trong các giấy tờ sau:
– Giấy tờ chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành gồm: giấy phép lao động hoặc hợp đồng lao động hoặc quyết định bổ nhiệm có xác định người lao động nước ngoài đó đã làm việc ở vị trí quản lý, giám đốc điều hành;
– Văn bản xác nhận là nhà quản lý, giám đốc điều hành do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà người lao động nước ngoài đó đã từng làm việc xác nhận.
b) Đối với người lao động nước ngoài là chuyên gia thì phải có một trong các giấy tờ sau:
– Giấy tờ chứng minh là người lao động nước ngoài có trình độ kỹ sư, cử nhân trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 05 năm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến sẽ làm việc tại Việt Nam;
– Văn bản xác nhận là chuyên gia do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc doanh nghiệp tại nước ngoài công nhận.
c) Đối với người lao động nước ngoài là lao động kỹ thuật thì phải có các giấy tờ sau:
– Giấy tờ chứng minh hoặc văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc doanh nghiệp tại nước ngoài về việc đã được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật với thời gian ít nhất 01 năm;
– Giấy tờ chứng minh đã có ít nhất 03 năm làm việc trong chuyên ngành kỹ thuật được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến sẽ làm việc tại Việt Nam.
5. Văn bản chấp thuận sử dụng người lao động nước ngoài theo quy định tại Khoản 5 Điều 10 Nghị định số 102/2013/NĐ-CP là thông báo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về vị trí công việc được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận sử dụng người lao động nước ngoài hoặc văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc nhà thầu được tuyển người lao động nước ngoài vào các vị trí công việc không tuyển được người lao động Việt Nam.
6. 02 ảnh mầu (kích thước 4cm x 6cm, đầu để trần, chụp chính diện, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính, phông ảnh màu trắng), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ.
7. Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu còn giá trị theo quy định của pháp luật.
8. Văn bản chứng minh quy định tại Điểm a, Điểm c và Điểm g Khoản 8 Điều 10 Nghị định số 102/2013/NĐ-CP là một trong các giấy tờ sau đây:
– Hợp đồng lao động;
– Văn bản xác nhận của người sử dụng lao động;
– Quyết định tuyển dụng người lao động nước ngoài;
– Giấy chứng nhận nộp thuế hoặc bảo hiểm của người lao động nước ngoài.
- Yêu cầu đối với hồ sơ:
Mọi giấy tờ được lập ở nước ngoài phải được Hợp pháp hóa lãnh sự và được dịch ra tiếng Việt và Công chứng;
Hồ sơ khai bằng tiếng Việt Nam hoặc 02 thứ tiếng (Tiếng Việt và tiếng nước ngoài). Trường hợp chỉ khai bằng một thứ tiếng nước ngoài thì phải dịch ra tiếng Việt Nam;
Mỗi người lao động làm 02 Bộ hồ sơ:
– 01 Bộ hồ sơ nộp cho Sở lao động Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố nơi mà đơn vị sử dụng lao động đặt trụ sở;
– 01 Bộ hồ sơ lưu tại Đơn vị sử dụng lao động.
Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900 6172
- Địa điểm nộp hồ sơ
Người lao động, đơn vị sử dụng lao động trực tiếp nộp hồ sơ Xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Sở lao động Thương Binh và Xã hội tỉnh, thành phố mà đơn vị sử dụng lao động có trụ sở chính hoặc tại Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất.
- Thời hạn của giấy phép lao động
Thời hạn của giấy phép lao động được quy định tại Điều 173 Bộ luật lao động 2012 và Điều 11 Nghị định 102/2013/NĐ-CP: Thời hạn của giấy phép lao động được cấp là không quá 02 năm và theo thời hạn của một trong các trường hợp sau đây:
1. Thời hạn của hợp đồng lao động dự kiến sẽ ký kết;
2. Thời hạn của phía nước ngoài cử người lao động nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam;
3. Thời hạn hợp đồng hoặc thỏa thuận ký kết giữa đối tác phía Việt Nam và phía nước ngoài;
4. Thời hạn hợp đồng hoặc thỏa thuận cung cấp dịch vụ ký kết giữa đối tác phía Việt Nam và phía nước ngoài;
5. Thời hạn nêu trong văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để đàm phán cung cấp dịch vụ;
6. Thời hạn đã được xác định trong giấy chứng nhận tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam;
7. Thời hạn trong văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để thành lập hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ đó;
8. Thời hạn trong văn bản chứng minh người lao động nước ngoài được tham gia vào hoạt động của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam.
Trong quá trình giải quyết nếu có vấn đề gì vướng mắc bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900 6172 để được trực tiếp tư vấn, giải đáp.