19006172

Phụ cấp lương bao gồm những khoản gì, có phải đóng bảo hiểm không?

Nội dung câu hỏi:

Xin chào tổng đài tư vấn! tôi muốn hỏi là Phụ cấp lương bao gồm những khoản gì, có phải đóng bảo hiểm không?



Phụ cấp lương bao gồm những khoản gì

Hỗ trợ tư vấn Luật lao động qua tổng đài 1900 6172

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Phụ cấp lương là gì?

Căn cứ tại Điểm b khoản 5, Điều 3, Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH hướng dẫn cụ thể:

“5. Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được quy định như sau:

b) Phụ cấp lương theo thỏa thuận của hai bên như sau:

b1) Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ;

b2) Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.”

Theo quy định này, có thể thấy, phụ cấp lương là những khoản thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động mà trong tiền lương chưa tính đến hoặc tính chưa đầy đủ liên quan trực tiếp tới quá trình thực hiện công việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động. Do mỗi vị trí công việc mà người lao động đảm nhận lại có các yếu tố khác nhau về điều kiện lao động, mức độ thu hút, điều kiện sinh hoạt, mức độ phức tạp … khác nhau nên các khoản phụ cấp lương của mỗi người lao động, mỗi vị trí lao động là khác nhau.

Phụ cấp lương bao gồm những khoản gì?

Các khoản phụ cấp lương bao gồm: Phụ cấp chức vụ, chức danh, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, phụ cấp thâm niên, phụ cấp khu vực, phụ cấp lưu động, phụ cấp thu hút, và các khoản phụ cấp khác tương tự như phụ cấp để bù đắp cho yếu tố về điều kiện lao động, tính phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt, và mức độ thu hút lao động mà chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong hợp đồng lao động.

(1) Phụ cấp chức vụ, chức danh

Những người lao động giữ các chức vụ quan trọng, mang tính chất quản lý như: trưởng phòng, giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng, giám đốc tài chính… sẽ được hưởng các khoản phụ cấp chức vụ và chức danh. Điều này phần nào giúp đáp ứng được nhu cầu về năng lực và trách nhiệm cao tại các vị trí này.

(2) Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Công nhân viên sẽ được hưởng phụ cấp nặng nhọc độc hại và nguy hiểm nếu họ phải làm việc trong các ngành nghề độc hại, ngành nghề nguy hiểm hoặc các ngành nghề đặc biệt nặng nhọc. Các điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành tại Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH hoặc các nguồn gây bệnh truyền nhiễm.

(3) Phụ cấp khu vực

Phụ cấp khu vực là khoản tiền mà người lao động được hưởng khi làm việc tại vùng và địa bàn được quy định trong Danh mục địa bàn hưởng phụ cấp khu vực theo Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT. Công ty sẽ quyết định mức phụ cấp khu vực hoặc thỏa thuận với nhân viên về mức phụ cấp này.

(4) Phụ cấp trách nhiệm

Phụ cấp trách nhiệm là khoản tiền thưởng mà người lao động được hưởng khi thực hiện các công việc có tính chất quan trọng và trách nhiệm cao, chẳng hạn như các vị trí quản lý, trưởng bộ phận, trưởng nhóm, phó nhóm,… hoặc các công việc kiểm ngân, thủ quỹ.

(5) Phụ cấp thâm niên

Phụ cấp thâm niên là khoản tiền được trả cho người lao động có thời gian gắn bó lâu dài với đơn vị sử dụng lao động nhằm tạo sự công bằng về thu nhập giữa những người mới và những người cũ. Phụ cấp thâm niên thường được tính dựa trên số năm đã làm việc thực tế tại đơn vị của mỗi người lao động.  

(6) Phụ cấp lưu động

Phụ cấp lưu động là một khoản tiền được trả cho nhân viên trong trường hợp công việc của họ thường xuyên bị thay đổi về môi trường hoặc địa điểm làm việc. Điển hình như ngành khảo sát xây dựng chuyên ngành hoặc bảo trì đường bộ và đường sắt.

(7) Phụ cấp thu hút

Khi làm việc ở những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, người lao động sẽ được hưởng phụ cấp hỗ trợ để động viên và giúp họ vượt qua những khó khăn đó.

(8) Các phụ cấp khác có tính chất tương tự

Căn cứ theo Điều 10 của Thông tư 17/2015/TT-BLĐTBXH, công ty có thể áp dụng thêm các chế độ phụ cấp khác như phụ cấp khuyến khích nhân viên để bảo đảm thời gian và định mức lao động, nâng cao kỹ năng thực hiện công việc, giữ chân nhân viên lâu dài và các phụ cấp khác phù hợp với đặc điểm và yêu cầu thực tế của công ty.

Phụ cấp lương có phải đóng bảo hiểm không?

Căn cứ Khoản 2 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định như sau:

“2. Tiền lương do đơn vị quyết định

Phụ cấp lương theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.”

Như vậy, theo quy định hiện nay thì có 8 khoản phụ cấp lương sau đây sẽ phải tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

– Phụ cấp chức vụ, chức danh;

– Phụ cấp trách nhiệm;

– Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

– Phụ cấp thâm niên;

– Phụ cấp khu vực;

– Phụ cấp lưu động;

– Phụ cấp thu hút;

– Các phụ cấp khác có tính chất tương tự (khoản phụ cấp để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ).

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết sau:

Trong quá trình giải quyết nếu còn vấn đề gì thắc mắc vui lòng liên hệ Tư vấn Luật lao động qua tổng đài 1900 6172 để được trực tiếp tư vấn, giải đáp.

luatannam