Ý nghĩa hiệu lệnh của cảnh sát giao thông
Hôm qua tôi đang đi xe máy trên đường thì người cảnh sát điều khiển giao thông có hành động tay giơ thẳng đứng nhưng tôi vẫn đi tiếp. Vậy cho tôi hỏi về ý nghĩa hiệu lệnh của cảnh sát giao thông đó là gì và được quy định ở đâu? Trường hợp tôi không dừng xe thì bị xử phạt gì? Có bị tước Giấy phép lái xe không? CSGT có được quyền lập biên bản tạm giữ Giấy phép lái xe của tôi không?
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về Tổng đài tư vấn. Với trường hợp của bạn về ý nghĩa hiệu lệnh của cảnh sát giao thông; chúng tôi xin trả lời cho bạn như sau:
Thứ nhất, quy định về ý nghĩa hiệu lệnh của cảnh sát giao thông.
Căn cứ Điều 7 của Quy chuẩn 41/2019 của BGTVT quy định như sau:
“Điều 7. Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông
7.2. Hiệu lệnh của cảnh sát điều khiển giao thông:
7.2.1. Tay giơ thẳng đứng để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở các hướng đều phải dừng lại;“
Như vậy, theo quy định, khi có hiệu lệnh của cảnh sát giao thông; người tham gia giao thông phải tuân thủ hiệu lệnh điều khiển của cảnh sát giao thông.
Theo thông tin bạn cung cấp; bạn đang đi trên đường thì người cảnh sát điều khiển giao thông có hành động tay giơ thẳng đứng nhưng bạn vẫn đi tiếp. Do đó, theo quy định của pháp luật thì bạn đã có hành vi không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông
-->Chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông hay đèn báo tín hiệu
Thứ hai, xử phạt hành chính trong trường hợp không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát điều khiển giao thông.
Căn cứ điểm g khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 6. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện); các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
4. Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
g) Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông;
10. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm b, điểm e, điểm i khoản 3; điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h khoản 4; khoản 5 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;
Như vậy, trong trường hợp bạn không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông thì bạn có thể bị phạt từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Với lỗi vi phạm này bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Thứ ba, về việc lập biên bản vi phạm giao thông
Điều 56 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 về xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản:
“1. Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản“.
Bên cạnh đó, căn cứ Điều 15 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông về xử lý vi phạm:
“1. Khi phát hiện có hành vi vi phạm, cán bộ tuần tra, kiểm soát được phân công nhiệm vụ phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản…..
3. Đối với vi phạm thuộc trường hợp không phải lập biên bản vi phạm hành chính hoặc thuộc thẩm quyền của mình mà không cần phải điều tra xác minh thì có thể ra quyết định xử phạt tại chỗ hoặc ngay trong thời gian thực hiện ca tuần tra, kiểm soát. Đối với những trường hợp khác thì phải củng cố hồ sơ vi phạm chuyển đến cấp có thẩm quyền để ra quyết định xử phạt“.
-->Trường hợp vi phạm giao thông mà nộp phạt tại chỗ có cần lập biên bản?
Dịch vụ tư vấn trực tuyến về Giao thông đường bộ: 19006172
Như vậy , về nguyên tắc khi phát hiện có hành vi vi phạm, cán bộ tuần tra, kiểm soát được phân công nhiệm vụ phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, xử phạt vi phạm hành chính về giao thông không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức hoặc thuộc thẩm quyền của mình mà không cần phải điều tra xác minh, trừ trường hợp vi phạm giao thông được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản. Trong những trường hợp này, người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
Do đó, lỗi vi phạm hành chính của bạn là không tuân thủ hiệu lệnh của người điều khiển giao thông và bị áp dụng mức phạt tiền là từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng thì việc CSGT lập biên bản tạm giữ Giấy phép lái xe của bạn là đúng quy định của pháp luật.
Mọi thắc mắc liên quan đến ý nghĩa hiệu lệnh của cảnh sát giao thông; Bạn xin vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được trực tiếp tư vấn, giải đáp.
-->Quyền khiếu nại khi biên bản vi phạm giao thông không đúng