Tôi tên Xuân Mai 20 tuổi! Thưa luật sư! Bạn tôi ở Vĩnh Long gặp vấn đề là bạn tôi có lên facebook tìm người làm xe bình thường thành xe độ thì có 1 người nhận làm, người đó ở Tiền Giang, do bạn tôi bận nên nhờ người đưa xe cho người nhận làm xe bạn tôi không trực tiếp gặp mặt nên không biết nơi cư trú của người đó chỉ liên lạc qua điện thoại và facebook. Sau khi người đó nhận xe của bạn tôi được 1 thời gian thì báo với bạn tôi là vì làm xe độ là trái pháp luật nên đã bị công an bắt mất xe còn người đó đang chạy trốn công an. Thiết nghĩ nếu bị công an bắt xe khi đang làm thì phải bắt người làm xe chứ sao lại bắt giữ chiếc xe. Người đó hứa sẽ đền bù thiệt hại lại cho bạn tôi. Chiếc xe của bạn tôi có giá trị 4.5 triệu. Nhưng gần 1 tháng nay người đó cứ hẹn nhưng không thấy đền bù. Có lúc không liên lạc được. Bạn tôi có giữ toàn bộ cuộc nói chuyện giữa bạn tôi và người đó. Tôi muốn hỏi nếu người đó không đền bù thiệt hại cho bạn tôi thì bạn tôi có thể trình báo công an bắt người đó với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không và nếu được thì báo công an ở nơi người đó ở là Tiền Giang hay ở Vĩnh Long?
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Tổng đài tư vấn. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 139 Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”
Do thông tin bạn cung cấp chưa được rõ ràng nên trường hợp của bạn sẽ được giải quyết như sau:
Trường hợp thứ nhất: Người đó giả nhận độ xe để chiếm đoạt xe của bạn
Khi đó, để người này bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thì cần thỏa mãn các yếu tố cấu thành của tội này. Cụ thể
1. Khách thể của tội phạm:
Khách thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác.
Trường hợp của bạn, khách thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là 1 chiếc xe máy.
2. Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là bất kỳ chủ thể nào từ đủ 16 tuổi có năng lực trách nhiệm hình sự.
Trường hợp của bạn, theo như thông tin bạn cung cấp thì nếu độ xe cho bạn từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì sẽ thỏa mãn điều kiện này.
3. Mặt khách quan của tội phạm:
Hai dấu hiệu đặc trưng của tội phạm này là dùng thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản.
+ Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội.
Trường hợp của bạn, người này đã gian dối bằng việc sẽ độ xe cho bạn và làm cho bạn tin tưởng giao tài sản cho anh ta.
+ Chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Đặc điểm của việc chiếm đoạt này là nó gắn liền và có mối quan hệ nhân quả dùng thủ đoạn gian dối.
+ Dấu hiệu khác:
Về giá trị tài sản bị chiếm đoạt: giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải trên hai triệu đồng trở lên. Trường hợp của bạn, tài sản mà bạn của bạn bị chiếm đoạt trị giá 4.5 triệu đồng, đã thỏa mãn dấu hiệu về giá trị tài sản bị chiếm đoạt.
4. Mặt chủ quan của tội phạm:
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác do mình thực hiện là hành vi gian dối, trái pháp luật. Đồng thời thấy trước hậu quả của hành vi đó là tài sản của người khác bị chiếm đoạt trái pháp luật và mong muốn hậu quả mong muốn hậu quả đó xảy ra.
Như vậy, khi người kia cố tình giả làm người độ xe cho bạn của bạn thì đã dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt chiếc xe (trị giá 4.5 triệu đồng) và hiện nay họ là người chiếm hữu, sử dụng chiếc xe. Vì vậy, trong trường hợp này đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Khi có đủ căn cứ xác minh người đó có hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của bạn, thì bạn của bạn có thể gửi đơn tố giác người đó về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đơn trình báo hoặc tố giác tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cùng các chứng cứ kèm theo xác minh hành vi phạm tội của người đó, bạn của bạn có thể gửi đến Cơ quan Công an huyện nơi cư trú của người đó ở Tiền Giang.
Tư vấn pháp luật hình sư trực tuyến 24/7: 1900 6172
Trường hợp thứ hai, nếu người đó nhận độ xe là thật và việc thu xe là đúng sự thật thì trường hợp này người đó không xác định là phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi đó căn cứ theo quy định tại Điều 123,131 Bộ luật dân sự năm 2015 về giao dịch dân sự vô hiệu như sau:
” Điều 123. Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội
Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.
Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.
Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.
Điều 131. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu
1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.”
Như vậy trường hợp này được xác định là giao dịch dân sự nhưng do việc độ xe là vi phạm điều cấm của pháp luật nên khi đó giao dịch này sẽ bị vô hiệu. Do đó, khi giao dịch vô hiệu, các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu và hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả. Do đó, trong trường hợp này, bạn của bạn sẽ được người nhận độ xe hoàn trả tiền tương đương giá trị của xe. Và để bảo đảm quyền lợi của mình, bạn cần gửi đơn ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người nhận độ xe cư trú và các tài liệu, chứng cứ kèm theo để yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch giữa hai bên vô hiệu.
Bạn vui lòng tham khảo thêm tại bài viết sau: Hỏi về tội trộm cắp tài sản?
Nếu trong quá trình giải quyết còn vấn đề gì thắc mắc vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.
- Tư vấn về giết người khi tinh thần bị kích động mạnh do người 17 tuổi thực hiện
- Tư vấn về điều kiện để được xét tha tù trước thời hạn có điều kiện
- Mua chứng chỉ giả để làm hồ sơ dự thi thì có bị xử lý hình sự?
- Hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân thương mại phạm tội
- Có ý định trộm cắp tài sản bị bắt quả tang xử lý hình sự như thế nào?