Xe cơ giới bị từ chối đăng kiểm vì chậm nộp phạt
Xe cơ giới bị từ chối đăng kiểm vì chậm nộp phạt. Cho tôi hỏi, xe tôi bị vi phạm lỗi vượt đèn đỏ nhưng chưa đi nộp phạt được. Hôm nay đến hạn đăng kiểm nên tôi đưa xe đến nhưng bị từ chối đăng kiểm với lý do xe đang vi phạm giao thông và chưa nộp phạt. Anh/chị vui lòng cho biết có quy định nào như thế không? Trường hợp tôi vi phạm lỗi vượt đèn đỏ thì bị phạt thế nào? Tôi chậm đóng khoảng hơn 2 tháng thì bị xử lý gì không?
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Tổng đài tư vấn. Đối với trường hợp của bạn về Xe cơ giới bị từ chối đăng kiểm vì chậm nộp phạt; chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:
Thứ nhất, quy định về trường hợp từ chối đăng kiểm
Căn cứ quy định tại Khoản 6, Điều 4 Thông tư 70/2015/TT-BGTVT quy định như sau:
“Điều 4. Hành vi không được thực hiện trong kiểm định xe cơ giới
6. Kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới hết niên hạn sử dụng; kiểm định khi đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định”.
Như vậy, xe cơ giới sẽ không được kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định nếu thuộc các trường hợp sau đây:
– Xe cơ giới hết niên hạn sử dụng;
– Đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định.
Theo đó, nếu phương tiện vi phạm luật giao thông nhưng không chấp hành nộp phạt theo đúng thời hạn thì Phòng CSGT Công an cấp tỉnh; Thanh tra Sở GTVT; Công an cấp huyện sẽ gửi danh sách đề nghị không đăng kiểm đến Cục Đăng kiểm Việt Nam. Lúc này Cục đăng kiểm sẽ đưa thông tin lên hệ thống để cảnh báo các đơn vị đăng kiểm tạm dừng tiếp nhận kiểm định; thông báo cho chủ phương tiện thực hiện theo yêu cầu của cơ quan đề nghị. Sau khi họ thực hiện xong, tiếp tục được tiếp nhận kiểm định phương tiện.
Bạn cho biết xe của bạn bị vi phạm lỗi vượt đèn đỏ nhưng chưa đi nộp phạt được. Khi đến hạn đăng kiểm bạn đưa xe đến nhưng bị từ chối đăng kiểm với lý do xe đang vi phạm giao thông và chưa nộp phạt. Nếu đã nhận được đề nghị không đăng kiểm từ phía cảnh sát giao thông thì đơn vị đăng kiểm đó nơi bạn đến đăng kiểm có quyền từ chối đăng kiểm cho xe của bạn.
-->Truy thu phí bảo trì đường bộ khi đi gia hạn đăng kiểm xe
Thứ hai, quy định về xử phạt lỗi điều khiển xe ô tô vượt đèn đỏ
Căn cứ khoản 5, khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 5. Xử phạt người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.
5. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông;
11. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm đ khoản 2; điểm h, điểm i khoản 3; khoản 4; điểm a, điểm b, điểm d, điểm đ, điểm g, điểm h, điểm i khoản 5 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;”
Như vậy, khi bạn điều khiển xe ô tô vượt đèn đỏ thì bạn bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngoài ra, bạn còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
-->Nộp phạt giao thông muộn hơn 1 năm có bị phạt thêm không?
Luật sư tư vấn trực tuyến về Giao thông đường bộ: 19006172
Thứ ba, về vấn đề chậm nộp phạt giao thông
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 78 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012
“Điều 78. Thủ tục nộp tiền phạt
1. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt, trừ trường hợp đã nộp tiền phạt quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này. Nếu quá thời hạn nêu trên, thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.”
Và quy định tại khoản 3, Điều 1, Thông tư 105/2014/TT-BTC sửa đổi một số điều của Thông tư 153/2013/TT-BTC thì:
“3. Sửa đổi khoản 2 Điều 5 như sau:
2. Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu phạt căn cứ quyết định xử phạt và số ngày chậm nộp phạt để tính và thu tiền chậm nộp tiền phạt đồng thời với việc thu tiền phạt vi phạm hành chính. Thực hiện thu tiền chậm nộp tiền phạt đối với trường hợp số tiền có giá trị từ 1.000 đồng trở lên; Trường hợp số tiền có giá trị từ 1.000 đồng trở lên và có số lẻ tiền đến dưới 500 đồng thì làm tròn số lẻ thành 0 đồng, có số lẻ tiền từ 500 đồng đến dưới 1.000 đồng thì làm tròn số lẻ thành 1.000 đồng.”
Như vậy, có thể thấy trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt mà bạn không đi nộp phạt thì sẽ coi là nộp phạt giao thông chậm. Khi đó, bạn sẽ bị tính tiền lãi và khi nộp phạt thì tiền lãi sẽ được cộng vào để tính ra mức phạt bạn phải đóng.
Theo đó, sau khi bị cảnh sát giao thông lập biên bản xử phạt bạn không đến nộp phạt ngay mà khoảng 2 tháng sau bạn mới đến nơi hẹn và thực hiện thủ tục nộp phạt thì bạn cứ đến nơi nộp phạt và mỗi ngày chậm nộp phạt phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp. Số tiền nộp phạt = tổng số tiền phạt chưa nộp + (tổng số tiền phạt chưa nộp x 0,05% x số ngày chậm).
Nếu còn vướng mắc; bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được trực tiếp tư vấn, giải đáp.
-->Quy định về chu kỳ đăng kiểm của các phương tiện giao thông đường bộ
- Thời hạn đổi GPLX quân sự sang GPLX do Bộ Giao thông vận tải cấp
- Xe máy quay đầu xe ở đường dốc bị phạt như thế nào?
- Thủ tục đăng kí xe trong trường hợp không có hộ khẩu Hà Nội
- Thủ tục sang tên xe ô tô cũ đăng ký tại Hà Nội sang Nghệ An
- Phân biệt lỗi đi sai làn đường và lỗi không chấp hành quy định về vạch kẻ đường