19006172

Xe tải chở người trên thùng xe phạt như thế nào theo luật hiện hành?

Xe tải chở người trên thùng xe phạt như thế nào theo luật hiện hành?

Cho tôi hỏi tôi đi xe tải thì có được chở người trên thùng xe đó khi không có hàng hóa trên đó hay không? Nếu không được thì mức phạt với xe tải chở người trên thùng xe phạt như thế nào? Làm thế nào để tôi được phạt mức thấp nhất của khung phạt? Nếu CSGT giữ bằng lái xe của tôi thì có đúng hay không? Xin cám ơn!



Xe tải chở người trên thùng xe

Tổng đài tư vấn trực tuyến về Giao thông đường bộ: 19006172

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn về vấn đề đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Thứ nhất, xe tải không chở hàng hóa có được chở người trên thùng xe không:

Căn cứ theo khoản 1 Điều 21 và điểm b khoản 2 Điều 72 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định như sau:

“Điều 72. Vận tải hàng hóa bằng xe ô tô

2. Không được thực hiện các hành vi sau đây:

b) Chở người trong thùng xe, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này.”

Dẫn chiếu theo khoản 1 Điều 21 Luật này quy định như sau:

“Điều 21. Trường hợp chở người trên xe ô tô chở hàng

1. Chỉ được chở người trên xe ô tô chở hàng trong các trường hợp sau đây:

a) Chở người đi làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai hoặc thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp; chở cán bộ, chiến sĩ của lực lượng vũ trang nhân dân đi làm nhiệm vụ; chở người bị nạn đi cấp cứu;

b) Chở công nhân duy tu, bảo dưỡng đường bộ; chở người đi thực hành lái xe trên xe tập lái; chở người diễu hành theo đoàn;

c) Giải tỏa người ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc trong trường hợp khẩn cấp khác theo quy định của pháp luật.”

Theo như quy định trên, trừ trường hợp chở người theo khoản 1 Điều 21 thì các trường hợp khác mà chở người trong xe chở hàng sẽ bị coi là vi phạm.

Thứ hai, mức phạt với trường hợp xe tải chở người trên thùng xe:

Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt khi chở người trên thùng xe như sau:

“Điều 24. Xử phạt người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định về vận tải đường bộ

2. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

c) Chở người trên thùng xe trái quy định; để người nằm, ngồi trên mui xe, đu bám bên ngoài xe khi xe đang chạy;

9. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 2; Điểm b Khoản 4; Khoản 5; Khoản 6 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;”

Theo đó, mức phạt với lỗi chở người trên thùng xe tải là từ 800 000 đồng đến 1 000 000 đồng. Đồng thời, bạn sẽ bị tước Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

Thứ ba, điều kiện để được hưởng mức phạt thấp nhất khi vi phạm lỗi chở người trên thùng xe

Căn cứ theo Điều 9 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định như sau:

“Điều 9. Tình tiết giảm nhẹ

Những tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ:

1. Người vi phạm hành chính đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại;

2. Người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính;

3. Vi phạm hành chính trong tình trạng bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra; vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

4. Vi phạm hành chính do bị ép buộc hoặc bị lệ thuộc về vật chất hoặc tinh thần;

5. Người vi phạm hành chính là phụ nữ mang thai, người già yếu, người có bệnh hoặc khuyết tật làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

6. Vi phạm hành chính vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không do mình gây ra;

7. Vi phạm hành chính do trình độ lạc hậu;

8. Những tình tiết giảm nhẹ khác do Chính phủ quy định.”

Mặt khác, căn cứ theo khoản 4 Điều 23 của Luật này quy định như sau:

“Điều 23. Phạt tiền

4. Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.”

Như vậy, để được áp dụng mức phạt thấp nhất bạn phải thuộc một trong các tình tiết giảm nhẹ theo quy định trên. Đồng thời không thuộc các tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 10 của Luật này.

Thứ tư, CSGT tạm giữ bằng lái xe có đúng không:

Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 81 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:

“Điều 81. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt

3. Thời điểm bắt đầu tính thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt như sau:

a) Trường hợp tại thời điểm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà người có thẩm quyền xử phạt đã tạm giữ được giấy phép, chứng chỉ hành nghề của cá nhân, tổ chức vi phạm thì thời điểm bắt đầu tính thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề là thời điểm quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành;”

Dựa vào quy định trên, việc CSGT tạm giữ bằng lái xe của bạn là đúng quy định của pháp luật. Và khi đó, thời điểm bắt đầu tính thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép là thời điểm quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành.

Trên đây là toàn bộ phần giải đáp về vấn đề xe tải chở người trên thùng xe phạt như thế nào? Nếu còn vướng mắc xin vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900.6172  để được trực tiếp tư vấn, giải đáp.

-> Chở người trên buồng lái xe tải quá số người quy định

 

luatannam