19006172

Đâm vào xe ô tô đang đỗ trên đường thì ai phải bồi thường?

Nội dung câu hỏi:

Xin chào tổng đài tư vấn pháp luật, tôi có thắc mắc muốn được tư vấn và giải đáp như sau: Do nhiều nguyên nhân khác nhau mà không ít trường hợp xe máy đâm vào xe ô tô đang đỗ. Trong tình huống này ai phải bồi thường, việc xác định trách nhiệm bồi thường như thế nào? Trong trường hợp chỉ bị thiệt hại về tài sản thì người bị thiệt hại có thể yêu cầu bồi thường những gì? Tôi xin cảm ơn!


Đâm vào xe ô tô đang đỗ trên đường

Luật sư tư vấn Luật giao thông đường bộ 24/7: 1900 6172

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Đâm vào xe ô tô đang đỗ trên đường thì ai phải bồi thường?

Căn cứ khoản 1 Điều 13 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định:

“Điều 13. Bồi thường thiệt hại

1. Người vi phạm hành chính nếu gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.

Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.”

Căn cứ Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”

Như vậy, theo quy định trên thì người gây ra thiệt hại sẽ phải bồi thường và việc bồi thường này sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.

Theo đó, trong trường hợp này, việc ai là người phải bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào kết luận của CSGT về việc ai là người có lỗi dẫn đến va chạm hoặc tai nạn giao thông.

– Trường hợp lỗi hoàn toàn thuộc về người đi xe máy (xe ô tô đỗ đúng vị trí được dừng hoặc đỗ xe và tuân thủ nguyên tắc dừng hoặc đỗ xe trên đường phố): người điều khiển xe máy phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

– Trường hợp lỗi thuộc về người đi xe ô tô (xe ô tô đỗ sai vị trí được dừng hoặc đỗ xe hoặc không tuân thủ nguyên tắc dừng hoặc đỗ xe trên đường phố): người điều khiển xe ô tô phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

– Trường hợp cả hai người cùng có lỗi: Dựa vào mức độ lỗi của các bên để xác định mức bồi thường thiệt hại.

Các khoản bồi thường về tài sản căn cứ vào Điều 589  Bộ luật Dân sự 2015. Mức bồi thường sẽ do hai bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì sẽ do Tòa án xác định.

Các khoản phải bồi thường khi gây tai nạn chỉ thiệt hại đến tài sản

Căn cứ theo quy định tại tại Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

“Điều 589. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:

1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.

2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.

3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

4. Thiệt hại khác do luật quy định.”

Như vậy, đối chiếu quy định trên thì với thiệt hại về tài sản người bị thiệt hại có thể yêu cầu bồi thường các khoản sau:

– Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.

+) Trường hợp tài sản là vật thì xác định thiệt hại đối với tài sản bị mất, bị hủy hoại căn cứ vào giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tác dụng và mức độ hao mòn của tài sản bị mất, bị hủy hoại tại thời điểm giải quyết bồi thường.

+) Đối với tài sản là tiền thì thiệt hại được xác định là số tiền bị mất, bị hư hỏng.

+) Đối với giấy tờ có giá bị mất, bị hư hỏng mà không thể khôi phục được thì thiệt hại được xác định là giá trị của các giấy tờ bị mất, bị hư hỏng tại thời điểm giải quyết bồi thường. Trường hợp giấy tờ có giá bị mất, bị hư hỏng mà có thể khôi phục được thì thiệt hại được xác định là các chi phí cần thiết để khôi phục các giấy tờ đó.

+) Đối với tài sản bị hư hỏng, thiệt hại là chi phí để sửa chữa, khôi phục lại tình trạng tài sản trước khi bị hư hỏng theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết bồi thường để xác định thiệt hại; nếu tài sản bị hư hỏng không thể sửa chữa, khôi phục thì thiệt hại được xác định theo hướng dẫn của tài sản bị mất.

– Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.

+) Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút quy định tại khoản 2 Điều 589 của Bộ luật Dân sự là hoa lợi, lợi tức mà người bị thiệt hại đang hoặc sẽ thu được nếu tài sản không bị mất, bị hư hỏng.

+) Hoa lợi, lợi tức được tính theo giá thực tế đang thu, nếu chưa thu thì theo giá thị trường cùng loại hoặc mức giá thuê trung bình 01 tháng của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, tính năng, tác dụng và chất lượng tại thời điểm Tòa án cấp sơ thẩm xác định thiệt hại; đối với những tài sản trên thị trường không có cho thuê, hoa lợi, lợi tức được xác định trên cơ sở thu nhập trung bình của 03 tháng liền kề do tài sản bị thiệt hại mang lại trong điều kiện bình thường trước thời điểm thiệt hại xảy ra.

– Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại quy định tại khoản 3 Điều 589 của Bộ luật Dân sự là những chi phí thực tế, cần thiết tại thời điểm chi trong điều kiện bình thường cho việc áp dụng các biện pháp cần thiết làm cho thiệt hại không phát sinh thêm; sửa chữa, khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản bị xâm phạm.

– Thiệt hại khác do luật quy định.

Trong quá trình giải quyết nếu có vấn đề gì vướng mắc bạn vui lòng liên hệ đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến – 1900 6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.

luatannam