Thời hạn của các loại giấy phép lái xe theo quy định pháp luật
Thời hạn của các loại giấy phép lái xe theo quy định pháp luật. Tổng đài cho tôi hỏi thời hạn của các hạng giấy phép lái xe là bao nhiêu năm đấy ạ! Với lại tôi còn có vấn đề nữa là tôi đang có bằng lái xe hạng C, nhưng hồ sơ gốc bằng lái xe này của tôi thì bị mất rồi, mà tôi đang cần dùng để nộp cho công ty xin việc thì tôi có đề nghị cấp lại hồ sơ gốc hay không! nếu được hướng dẫn tôi thủ tục với nơi nộp luôn ạ! cảm ơn tổng đài!
- Quy định về thời hạn sử dụng các loại giấy phép lái xe ở Việt Nam
- Giấy phép lái xe hạng B1 có thời hạn sử dụng trong bao lâu?
- Thời hạn sử dụng của Giấy phép lái xe hạng E là bao lâu?
Tư vấn luật giao thông:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Tổng đài tư vấn. Đối với câu hỏi: Thời hạn của các loại giấy phép lái xe theo quy định pháp luật; chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:
Thứ nhất, về thời hạn sử dụng của các loại Giấy phép lái xe
Căn cứ quy định tại Điều 17 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, cụ thể như sau:
“Điều 17. Thời hạn của giấy phép lái xe
1. Giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3 không có thời hạn.
2. Giấy phép lái xe hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.
3. Giấy phép lái xe hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.
4. Giấy phép lái xe hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp.”
Như vậy, thời hạn của từng loại giấy phép lái xe như quy định ở trên, và có thể thấy mỗi loại giấy phép lái xe sẽ có thời hạn khác nhau.
Thứ hai, về vấn đề cấp lại hồ sơ gốc bằng lái xe
Căn cứ quy định tại Khoản 8 Điều 36 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, cụ thể như sau:
“Điều 36. Cấp lại giấy phép lái xe
8. Người có giấy phép lái xe còn thời hạn sử dụng, nhưng không còn hồ sơ gốc, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, nếu có nhu cầu được lập lại hồ sơ gốc.
Người lái xe lập 01 bộ hồ sơ, gửi trực tiếp tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải (nơi đã cấp giấy phép lái xe). Hồ sơ bao gồm:
a) Đơn đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục 19 ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Bản sao giấy phép lái xe, giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn.
Cơ quan cấp giấy phép lái xe kiểm tra, xác nhận và đóng dấu, ghi rõ: số, hạng giấy phép lái xe được cấp, ngày sát hạch (nếu có), tên cơ sở đào tạo (nếu có) vào góc trên bên phải đơn đề nghị và trả cho người lái xe tự bảo quản để thay hồ sơ gốc.”
Tổng đài tư vấn trực tuyến về Giao thông đường bộ: 19006172
Theo quy định này, trong trường hợp giấy phép lái xe còn thời hạn mà mất hồ sơ gốc, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, nếu bạn có nhu cầu cấp lại hồ sơ gốc thì bạn lập 01 bộ hồ sơ, gửi trực tiếp tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải (nơi đã cấp giấy phép lái xe). Hồ sơ bao gồm:
- Đơn đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục 19 ban hành kèm theo Thông tư này;
- Bản sao giấy phép lái xe, giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn
Trên đây là toàn bộ bài tư vấn của chúng tôi đối với câu hỏi: Thời hạn của các loại giấy phép lái xe theo quy định pháp luật. Ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm bài viết:
Thủ tục cấp lại giấy phép lái xe bị mất và còn thời hạn sử dụng
Mức phạt với lỗi sử dụng giấy phép lái xe đã quá thời hạn sử dụng
Nếu còn vấn đề gì vướng mắc về vấn đề này, bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp.