Có thể yêu cầu công ty hoàn trả tiền đóng bảo hiểm xã hội?
Tôi được công ty ABC nhận vào thử việc Vị Trí Nhân Viên Kinh Doanh từ cuối tháng 04 năm 2018, đó là khoảng ngày 24/04/2018. Giám Đốc PV và có thoả thuận sau 1 tháng tôi làm được việc sẽ nhận lương chính thức, cùng với các chính sách ưu đãi BHXH, nghỉ mát…thưởng lễ tết… Sau 1 tháng thử việc, giám đốc đồng ý cho tôi nhận lương chính thức bao gồm lương căn bản 5tr và lương hoa hồng doanh thu bán hàng (hoa hồng nếu đạt doanh số sẽ là 1,5% doanh thu, nếu không đạt sẽ tính mức 0.6->0.8%). Đến tháng 06/2018 tôi hoàn thành doanh thu doanh số của công ty đề ra và nhận lương căn bản + lương hoa hồng doanh thu bán hàng. Sau đó tôi làm việc đến tháng 6, tháng 8, rồi tháng 9, có nhiều lần hỏi kí hợp đồng và đóng bảo hiểm công ty nói lý do đổi trụ sở đăng kí lại doanh nghiệp nên chưa đóng được, và cho đến tháng 10 sau khi thấy người giám đốc sống không có tình nghĩa làm việc thất hứa tôi buồn và chán nản nên tôi xin nghỉ việc. Tôi đem chuyện này kể cho bạn bè tôi nghe hỏi họ công ty không đóng bảo hiểm như vậy đúng hay sai, họ nói rằng tôi đáng được hưởng bảo hiểm, công ty sử dụng tôi làm việc thời gian gần 6 tháng mà không trả lời kí hợp đồng hay không như vậy là sai? Chính vì vậy hôm nay tôi viết email này xin nhờ Quý Luật Sư Tư Vấn: Nếu sau khi tôi xin nghỉ bàn giao công việc hoàn tất, tôi có quyền yêu cầu công ty hoàn trả tiền bảo hiểm xã hội và các khoản bảo hiểm bắt buộc phải đóng cho người lao động không? Với công ty không đóng bảo hiểm và không kí hợp đồng lao động khi sử dụng lao động quá 5 tháng thì sẽ bị xử phạt thế nào?
- Tính lương làm thêm giờ có bao gồm các khoản phụ cấp
- Lương làm thêm giờ, tiền thưởng thì có được dùng để tính BHXH không?
- Làm thêm giờ có cần sự đồng ý của người lao động không?
Tư vấn hợp đồng lao động:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Tổng đài tư vấn. Với câu hỏi của bạn về: Có thể yêu cầu công ty hoàn trả tiền đóng bảo hiểm xã hội, chúng tôi xin được xin tư vấn như sau:
Thứ nhất, về việc có được hoàn trả tiền bảo hiểm xã hội
Căn cứ theo quy định tại khoản 9 Điều 123 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 có quy định như sau:
” 9. Người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.”
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị Định số 44/2013/NĐ-CP thì:
“1. Trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động và người lao động:
a) Người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
Người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động còn lại có trách nhiệm chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật”.
Căn cứ khoản 3 Điều 186 Bộ luật lao động 2012 quy định:
“3. Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì ngoài việc trả lương theo công việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hằng năm theo quy định”.
Theo đó, chỉ có hai trường hợp được hoàn trả tiền bảo hiểm xã hội vào lương là người lao động hưởng lương hưu/trợ cấp bảo hiểm xã hội/trợ cấp hằng tháng và người lao động giao kết từ 2 hợp đồng lao động trở lên.
Trong trường hợp của bạn, bạn thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chứ không thuộc trường hợp được trả tiền đóng bảo hiểm xã hội vào lương, chính vì vậy bạn sẽ không thể yêu cầu công ty trả tiền vào lương.
Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 26 Nghị định Số: 95/2013/NĐ-CP về Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì:
“4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;
b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.”
Theo đó, công ty bạn sẽ buộc có trách nhiệm phải truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng và số tiền lãi bảo hiểm cho bạn.
Thứ hai, về việc công ty bị xử phạt như thế nào:
+) Về hành vi không ký hợp đồng lao động, bạn vui lòng tham khảo thêm tại bài viết: Công ty có bị xử phạt khi không ký hợp đồng lao động?
+) Về hành vi không đóng bảo hiểm xã hội, bạn vui lòng tham khảo thêm tại bài viết: Công ty không đóng bảo hiểm cho người lao động bị phạt thế nào?
Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900 6172
Kết luận
Như vậy trong trường hợp này, bạn sẽ không được công ty trả lại tiền đóng bảo hiểm mà công ty bắt buộc sẽ phải làm thủ tục để truy nộp lại số tiền trong thời gian không đóng.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi về vấn đề: Có thể yêu cầu công ty hoàn trả tiền đóng bảo hiểm xã hội. Ngoài ra thì bạn có thể tham khảo thêm tại bài viết:
Tư vấn về thời gian nghỉ ngơi trong giờ làm việc
Cách tính trợ cấp thôi việc cho người lao động
Trong quá trình giải quyết nếu còn bất kỳ vấn đề gì thắc mắc, bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.