Đi khám bệnh mà mất chứng minh thư thì phải làm thế nào?
Đi khám bệnh mà mất chứng minh thư thì phải làm thế nào để đảm bảo quyền lợi của mình thế ạ? Nếu trong trường hợp em đã đi khám và đã phải tự thanh toán chi phí khám chữa bệnh vì không có chứng minh thì về có được yêu cầu thanh toán lại hay không? Hồ sơ như thế nào? Và trong thời hạn bao nhiêu lâu em sẽ được hoàn lại tiền vậy ạ?
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Với câu hỏi đi khám bệnh mà mất chứng minh thư thì phải làm thế nào; Tổng đài tư vấn xin được trả lời như sau:
Thứ nhất, đi khám bệnh mà mất chứng minh thư thì phải làm thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP như sau:
“Điều 15. Thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế
1. Người tham gia bảo hiểm y tế khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế có ảnh; trường hợp thẻ bảo hiểm y tế chưa có ảnh thì phải xuất trình một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc Giấy xác nhận của Công an cấp xã hoặc giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục nơi quản lý học sinh, sinh viên; các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác.”
Bên cạnh đó, tiết 4.1 Mục 4 Công văn 4996/BHYT-CSYT thì:
“4. Thủ tục KCB BHYT trong một số trường hợp
4.1. Thủ tục KCB BHYT thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 15 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.
a) Trường hợp thẻ BHYT chưa có ảnh: xuất trình thẻ BHYT và một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc Giấy xác nhận của Công an cấp xã (có dán ảnh, đóng dấu giáp lai) hoặc giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nơi quản lý học sinh, sinh viên (có dán ảnh, đóng dấu giáp lai) hoặc giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác.
Như vậy, khi đi khám, chữa bệnh thì bạn cần phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế có ảnh. Trường hợp thẻ bảo hiểm y tế chưa có ảnh thì phải xuất trình một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân khác có ảnh. Trường hợp mất chứng minh nhân dân, bạn có thể thay thế bằng một loại giấy tờ chứng minh nhân thân khác như giấy phép lái xe, hộ chiếu, thẻ sinh viên…. Trường hợp không những giấy tờ này thì bạn có thể đến ủy ban nhân dân xã/phường xin giấy xác nhận nhân thân có đóng dấu giáp lai để thay thế.
Như vậy, nếu thẻ BHYT của bạn đã dán ảnh rồi thì bạn không cần phải mang theo chứng minh thư. Nếu thẻ BHYT của bạn chưa dán ảnh thì khi mất chứng minh thư, bạn có thể dùng một số giấy tờ chứng minh nhân dân khác để thay thế.
Thứ hai, về trường hợp được thanh toán lại tiền BHYT
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 31 Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định như sau:
“Điều 31. Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế
2. Tổ chức bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trực tiếp cho người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám bệnh, chữa bệnh trong các trường hợp sau đây:
a) Tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế;
b) Khám bệnh, chữa bệnh không đúng quy định tại Điều 28 của Luật này;
c) Trường hợp đặc biệt khác do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.”
Theo đó, nếu bạn đi khám chữa bệnh mà không xuất trình được chứng minh thư nhân dân hoặc một trong số các giấy tờ tùy thân có ảnh khi thẻ BHYT không dán ảnh thì bạn được xác định là khám chữa bệnh không đúng thủ tục và bạn sẽ được thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh BHYT với cơ quan BHXH. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Mức thanh toán trực tiếp bảo hiểm y tế khi đi chữa bệnh
Luật sư tư vấn Bảo hiểm y tế trực tuyến 24/7: 1900 6172
Thứ ba, về hồ sơ thanh toán lại BHYT
Căn cứ theo Điều 28 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 28. Hồ sơ đề nghị thanh toán trực tiếp
1. Các giấy tờ là bản chụp (kèm theo bản gốc để đối chiếu) gồm:
a) Thẻ bảo hiểm y tế, giấy chứng minh nhân thân theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định này.
b) Giấy ra viện, phiếu khám bệnh hoặc sổ khám bệnh của lần khám bệnh, chữa bệnh đề nghị thanh toán.
2. Hóa đơn và các chứng từ có liên quan.”
Theo đó, hồ sơ đề nghị thanh toán trực tiếp bao gồm các giấy tờ sau:
– Giấy đề nghị thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh;
– Thẻ bảo hiểm y tế kèm chứng minh nhân dân;
– Giấy ra viện; phiếu khám bệnh hoặc sổ khám bệnh của lần khám bệnh, chữa bệnh đề nghị thanh toán.
– Bản chính các chứng từ hợp lệ (hóa đơn mua thuốc, hóa đơn thu viện phí và các chứng từ có liên quan).
Bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Quy định mới về thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh
Thứ tư, về thời hạn thanh toán
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 29 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 29. Nộp hồ sơ, giải quyết thanh toán trực tiếp
2. Bảo hiểm xã hội cấp huyện có trách nhiệm:
a) Tiếp nhận hồ sơ đề nghị thanh toán của người bệnh và lập giấy biên nhận hồ sơ. Những hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn bổ sung đầy đủ;
b) Trong thời hạn 40 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thanh toán phải hoàn thành việc giám định bảo hiểm y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh hoặc thân nhân của người bệnh hoặc người.”
Như vậy, bạn sẽ nộp hồ sơ tại cơ quan BHXH cấp huyện nơi bạn cư trú và trong thời hạn 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan BHXH sẽ giải quyết và thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho bạn.
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về câu hỏi đi khám bệnh mà mất chứng minh thư thì phải làm thế nào.
Nếu còn vướng mắc về đi khám bệnh mà mất chứng minh thư thì phải làm thế nào; bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn Online 24/7: 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.
->Thanh toán trực tiếp chi phí y tế có giống với hoàn tiền đóng BHYT hay không?
- Lao động nữ đặt vòng tránh thai được hưởng những chế độ thai sản gì?
- Sinh xong thì sau bao nhiêu lâu mới được nộp hồ sơ hưởng thai sản
- Thủ tục nhận tiền BHXH tự nguyện một lần sau 2 năm dừng đóng
- Bảo hiểm xã hội trong thời gian tham gia dân quân tự vệ
- Nhận BHXH 1 lần sau này đi làm lại có được nhận tiền 1 lần tiếp không