Thay đổi thông tin trên CMTND được rút BHXH một lần không?
Em có làm lại chứng minh cũ sang mới năm 2018 nhưng không xin giấy xác nhận chuyển đổi liệu sau này có ảnh hưởng gì đến việc lấy BHXH 1 lần không ạ ? Em đóng ở công ty tư nhân thì cách tính BHXH 1 lần như thế nào, em đóng BHXH liên tục từ t1/2014 đến t5/2020? Em nghe bảo hệ số trượt giá chỉ tính cho người đóng từ năm 2016 có đúng không?
Tổng đài tư vấn bảo hiểm xã hội một lần trực tuyến 1900 6172
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Thứ nhất, thay đổi thông tin trên CMTND được rút BHXH một lần không?
Theo Công văn 3835/BHXH-CST do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành về việc sai sót các tiêu thức giữa sổ BHXH và CMND như sau:
“Để tránh tình trạng người lao động phải đi lại nhiều lần, gây phiền hà và ảnh hưởng đến thời gian hưởng BHTN của người lao động, yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố, đồng thời đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm Giới thiệu việc làm không trả lại hồ sơ giải quyết BHTN khi không có sự trùng khớp số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp hoặc hộ khẩu thường trú với sổ BHXH để kịp thời giải quyết quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHTN”.
Như vậy, dẫn chiếu đến trường hợp của bạn thay đổi ngày cấp và địa chỉ chứng minh nhân dân thì không ảnh hưởng đến việc hưởng BHXH 1 lần của bạn sau này. Khi đủ điều kiện và có yêu cầu thì bạn vẫn được hưởng BHXH một lần.
Thứ hai, cách tính mức hưởng BHXH một lần
Về làm tròn số tháng đóng BHXH căn cứ Khoản 4 Điều 19 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH như sau:
“4. Khi tính mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm, từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.
Theo đó, bạn đóng BHXH liên tục từ 1/2014 đến 5/2020 nên tổng thời gian đóng BHXH là 6 năm 5 tháng và được làm tròn là 6.5 năm.
Về số tháng hưởng căn cứ Khoản 2 Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP như sau:
“2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;”
Như vậy, bạn đóng BHXH được 6,5 năm nên số tháng hưởng của bạn bằng 6,5 x 2= 13 tháng bình quân tiền lương
Về mức bình quân tiền lương, căn cứ Khoản 2 Điều 20 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định:
“Điều 20. Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần
Mbqtl |
= |
Tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của các tháng đóng bảo hiểm xã hội |
Tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội” |
Như vậy, bạn có tham khảo cách tính BHXH một lần ở trên để tính mức hưởng BHXH của mình
Theo đó, mức hưởng của bạn = mức bình quân tiền lương x số tháng được hưởng.
Thứ ba, hưởng BHXH 1 lần được tính hệ số trượt giá không?
Căn cứ điểm b Khoản 1 Điều 1 Thông tư 35/2019/TT-BLĐTBXH như sau:
“Điều 1. Đối tượng áp dụng
1. Đối tượng điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP bao gồm:
a) Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi, hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến ngày 31 tháng 12 năm 2020.
b) Người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, bảo hiểm xã hội một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến ngày 31 tháng 12 năm 2020.”
Như vậy, thông tin NLĐ tham gia BHXH từ năm 2016 trở đi mới được hưởng hệ số trượt giá là không hoàn toàn chính xác, quy định này chỉ áp dụng với NLĐ tham gia đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.
Theo đó, bạn tham gia BHXH từ tháng 1/2014 theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quy định nên bạn được hưởng thêm hệ số trượt giá.
Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn chế độ bảo hiểm xã hội một lần trực tuyến 1900 6172 để được trực tiếp tư vấn, giải đáp.
-> Làm lại thẻ căn cước hưởng BHXH một lần được không?
- Đi làm trong thời gian nghỉ ốm có được hưởng bảo hiểm không?
- Về hưu theo diện tinh giản biên chế thì được quyền lợi như thế nào?
- Mức hưởng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo
- Khi nộp hồ sơ thai sản muộn thì công ty phải chịu trách nhiệm gì?
- Có được hưởng chế độ thai sản khi tháng trước không đóng bảo hiểm?